Đợt mưa lớn kéo dài vừa qua gây ngập úng cục bộ nhiều diện tích lúa và rau màu trong tỉnh. Để chủ động và tác động kỹ thuật tốt đến các trà lúa mùa xin đưa ra cách khắc phục như sau.
Nhà nông cần theo dõi sát sự sinh trưởng của cây lúa sau giai đoạn bị ngập để bón phân hợp lý (ảnh minh họa)
- Đối với những diện tích lúa vùng trũng ngập nước kéo dài không có khả năng hồi phục (chủ yếu là trà mùa muộn): Cấy lại ngay sau khi nước rút bằng các giống mạ dự phòng hoặc san tỉa từ những chân ruộng mới cấy không bị ảnh hưởng ngập úng. Nếu diện tích bị thiệt hại quá lớn cần khẩn trương dùng các giống ngắn ngày như P6 đột biến, nếp 352, PC6, HN6…
- Đối với những diện tích lúa mùa muộn bị ảnh hưởng nhẹ, cần vệ sinh đồng ruộng, làm cỏ sục bùn và tỉa dặm bổ sung cho lúa để đảm bảo mật độ. Dùng các loại phân bón lá như siêu lân + siêu vi lượng hoặc siêu kali phun bổ sung để lúa nhanh hồi phục.
- Đối với trà mùa sớm và mùa trung tiêu úng tốt: Hầu hết các giống lúa ngắn ngày đều đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh đến làm đòng. Mưa lớn kéo dài làm lúa phát triển thuận lợi, nhiều diện tích còn có nguy cơ tốt lốp.
Do mưa lớn bà con không thể áp dụng biện pháp để lộ ruộng cho rễ lúa ăn sâu. Vì thế, lúa trà mùa sớm dễ có nguy cơ tốt lốp và bị đổ cuối vụ nếu không xử lý kịp thời.
Trong những thời điểm tạnh ráo, cần khẩn trương bón đón đòng cho lúa bằng dinh dưỡng kali. Nên bón 3 - 4 kg kaliclorua/sào trộn với cát hoặc đất bột để rắc.
Bà con cần lưu ý:
+ Không rắc kali cho lúa khi cây vẫn còn ướt lá. Làm vậy lá lúa dễ bị cháy táp.
+ Không nên sử dụng urê bón cho lúa (trừ những ruộng quá xấu).
+ Một số ruộng xanh tốt um tùm cần sử dụng thuốc trừ khô vằn như Validacin hoặc Anvil… kết hợp với 0,5 lạng kalisunphat/bình phòng trừ bệnh khô vằn sau mưa.
- Đối với những giống lúa dễ nhiễm bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn như Q5, BC15, Bắc thơm 7… sau khi mưa ngớt cần sử dụng nước vôi trong hoặc thuốc phòng bệnh bạc lá như Xanthomic, Stanner, Kasai, Kasumin… phun kịp thời, tránh để vết bệnh xuất hiện trên lá rồi mới phun thì không có tác dụng.
- Chủ động giữ nước hoặc tháo nước: Sau khi mưa kết thúc cần kiểm tra cụ thể từng ruộng, giống lúa để linh động tháo nước hay giữ nước cho lúa.
Xé thân cây nếu thấy có mầm đòng dài khoảng 1 mm (lúa cứt gián) thì cần giữ mức nước nông để lúa phân hóa đòng thuận lợi.
Nếu lúa vẫn chưa phân hóa mầm đòng (đứng cái) cần tháo kiệt nước trong ruộng để rễ lúa bầm được sâu hơn sẽ giúp cây chống đổ tốt sau này.
HOÀNG ANH(Tổng hợp)