Hoàn cảnh của gia đình chị Phạm Thị Nga (sinh năm 1990) ở thôn Phương Độ, xã Vĩnh Hưng (Bình Giang, Hải Dương) vô cùng khó khăn khi có hai con đều bị bại não.
Sau khi đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, năm 2014, chị Nga kết hôn với anh Trần Đình Mạnh (sinh năm 1986). Năm 2015, anh chị phấn khởi đón con trai đầu lòng là cháu Trần Đức K. Tuy nhiên khi cháu K. được hơn 6 tháng tuổi mà không lẫy lật, chị Nga đưa con đi khám, bác sĩ kết luận cháu bị chậm phát triển vận động và khuyên gia đình nên cho con đi tập luyện, vận động. Sau quá trình tập luyện, vận động, tình trạng của cháu K. vẫn không có chuyển biến, lúc này gia đình đưa con đi khám lại mới biết cháu bị bại não. Chị Nga kể: “Khi nghe kết luận từ bác sĩ, tôi muốn gục ngã, không muốn tin đó là sự thật”. Suốt những tháng ngày sau đó là những ngày chị Nga đưa con ngược xuôi đến nhiều bệnh viện như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Hà Nội... Tuy nhiên tình trạng của cháu K. gần như không có tiến triển. Chân tay cháu bị co quắp, không vận động được.
Năm 2019, vợ chồng chị Nga quyết định sinh thêm bé thứ hai. Trước lúc mang thai, chị Nga đã khám sức khỏe tổng quát. Các mốc thai kỳ, chị đều khám và làm nhiều xét nghiệm cho kết quả bình thường. Hạnh phúc vỡ òa khi anh chị đón con thứ hai là cháu Trần Minh Ph. Thế nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, khi cháu Ph. được 3 tháng tuổi vẫn không lẫy, không vận động tay chân. Đưa con đi khám, bác sĩ kết luận cháu Ph. cũng bị bại não giống anh trai. Bao nhiêu hy vọng của vợ chồng chị Nga bỗng chốc sụp đổ. Sự hoang mang, tuyệt vọng bủa vây lấy gia đình chị. Hai đứa con ốm yếu, chị Nga phải dành toàn thời gian chăm sóc con. Anh Mạnh túc tắc làm việc tại xưởng gỗ cùng với bố.
Tháng 3/2024, cháu K. bị kiệt sức, li bì, đưa con đi khám, chị Nga bàng hoàng khi nhận được kết luận từ bác sĩ: cháu K. bị suy đa tạng, tổn thương não, không có khả năng phục hồi, cơ thể không tiếp nhận thuốc điều trị nên không có phương pháp cứu chữa. Vợ chồng chị đành đưa cháu về nhà để chăm sóc. Hiện nay, cháu K. phải ăn uống qua ống sonde (đặt ống thông dạ dày), một tay bị liệt hẳn, cân nặng của cháu chỉ tương đương em bé 5 tuổi.
Tháng 4/2024, bố chồng chị Nga mất vì bệnh ung thư máu, vợ chồng chị đã bán, thanh lý hết đồ đạc ở xưởng gỗ vì vẫn còn khoản nợ ngân hàng. Anh Mạnh xin vào làm tại một xưởng gỗ ở gần nhà với tiền lương khoảng 6 triệu đồng/tháng. Số tiền ấy cùng với số tiền trợ cấp của 2 con chẳng thể đủ xoay xở sinh hoạt cho gia đình 4 người. Chưa kể còn phải ngược xuôi thuốc thang chạy chữa cho các con. Nếu khỏe mạnh thì năm nay cháu K. đã là học sinh lớp 4, còn cháu Ph. là học sinh mầm non. Lẽ ra, những ngày này các cháu đang được đến trường học tập, vui chơi cùng bè bạn. Thế nhưng, không gian của hai cháu chỉ có mỗi căn phòng nhỏ. Những lúc nghe các con quấy khóc, gào thét, chị Nga xót xa đứt từng khúc ruột, ước có thể chịu đau thay con. Theo lời kể của chị Nga, trong đợt khám bệnh gần đây, bác sĩ nghi ngờ cháu Ph. có dấu hiệu của bệnh tan máu, cần theo dõi thêm.
Theo ông Đào Quý Sánh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Vĩnh Hưng, gia đình chị Nga hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, rất cần sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Mọi sự đóng góp, giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: chị Phạm Thị Nga ở thôn Phương Độ, xã Vĩnh Hưng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, số điện thoại: 0989172086, hoặc qua số tài khoản 0989172086 ngân hàng MB.
HUYỀN TRANG