Hiện tại, một số người tỏ ra lo ngại về việc căn cước công dân loại mới - gắn chíp điện tử, có chức năng định vị sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt cá nhân của công dân.
Về việc này, Bộ Công an cho biết, chíp được gắn trên căn cước công dân là để lưu trữ các thông tin của công dân trên căn cước công dân với mục tiêu tạo điều kiện thuận tiện cho công dân thực hiện các giao dịch hành chính, đi lại, nâng cao hiệu quả của chính phủ điện tử, chính phủ số. Chíp gắn trên căn cước không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của công dân. Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chíp tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
Còn trong trường hợp công dân đang sống và làm việc tại Hà Nội nhưng hộ khẩu thường trú ở tỉnh khác, Bộ Công an thông tin, theo Điều 16 Thông tư 07/2016/TT-BCA ngày 1.2.2016 quy định chi tiết một số điều của Luật Căn cước công dân và Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31.12.2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân, khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân chưa đi vào vận hành hoặc chưa thu thập đầy đủ thông tin về công dân thì cơ quan quản lý căn cước công dân cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ đổi, cấp lại căn cước công dân đối với công dân có nơi đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.
Như vậy, nếu công dân đang sống và làm việc tại Hà Nội nhưng hộ khẩu thường trú ở tỉnh khác đã được cấp căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân 12 số thì có thể đến Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP Hà Nội để làm thủ tục đổi, cấp lại căn cước công dân có gắn chíp điện tử.
Khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân đã đi vào vận hành thì công dân có thể đến bất kỳ cơ quan quản lý căn cước công dân nào để làm thủ tục cấp căn cước công dân.
Theo Hà Nội mới