Phân quyền cấp, đổi thẻ căn cước công dân về công an cấp tỉnh

23/06/2023 11:41

Thảo luận tại hội trường chiều 22.6 trong chương trình Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị phân quyền cấp, đổi thẻ căn cước công dân về công an cấp tỉnh.


Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu tại phiên thảo luận chiều 22.6. 
Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Phát biểu thảo luận tại hội trường, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga đã góp ý về thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.

Điều 29 dự thảo quy định “Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước”. Đại biểu Nga đề nghị nên phân cấp, phân quyền những việc này về cho cơ quan công an cấp tỉnh đối với công dân Việt Nam vừa giảm thời gian, chi phí, giảm bớt áp lực cho cơ quan chịu trách nhiệm cấp thẻ căn cước công dân ở cấp Trung ương. 

“Trước đây, việc cấp giấy chứng minh nhân dân cũng do cơ quan công an cấp tỉnh chịu trách nhiệm và được thực hiện tương đối ổn định. Đặc biệt, trong bối cảnh điều kiện hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông hiện nay, mỗi người đều có số định danh cá nhân thì việc quản lý cấp, cấp lại, cấp đổi căn cước công dân sẽ không bị chồng chéo hay xảy ra hiện tượng một người có nhiều số chứng minh nhân dân như trước”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu ý kiến.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga cũng tán thành với việc đổi tên Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước. Đại biểu Nga cho rằng dự thảo luật lần này đã bổ sung thêm nhóm đối tượng người gốc Việt Nam nên việc đổi tên luật sẽ bao hàm được cả nhóm đối tượng này trong phạm vi điều chỉnh của luật.

Cũng theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, không nên quy định cứng tên ứng dụng “VNeID” trong luật mà chỉ nên quy định bằng tên có tính khái quát như ứng dụng định danh điện tử. Bài học kinh nghiệm từ thực tiễn cho thấy nhiều ứng dụng được xây dựng và đưa vào sử dụng có tuổi thọ rất ngắn, ít được sử dụng, không đạt hiệu quả như mong đợi và đã bị thay thế bởi các ứng dụng khác ưu việt hơn. 

Theo đại biểu, một khía cạnh khác cần lưu ý trong quá trình sử dụng ứng dụng định danh điện tử là tính bảo mật. Đây là yêu cầu vô cùng quan trọng trong việc triển khai ứng dụng. Ngoài việc sử dụng mật khẩu để đăng nhập, cần nghiên cứu các phương án bảo mật cao hơn, bảo mật qua nhiều lớp khi đăng nhập ứng dụng để hạn chế tối đa việc thông tin cá nhân bị lộ lọt, khai thác trái phép.

PHONG TUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phân quyền cấp, đổi thẻ căn cước công dân về công an cấp tỉnh