Các nước cần xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống

13/07/2021 05:39

Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc đã mô tả vấn nạn phân biệt chủng tộc chống những người châu Phi và người gốc Phi đang tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc đến mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Cac nuoc can xoa bo nan phan biet chung toc mang tinh he thong hinh anh 1
Người đứng đầu Cao ủy nhân quyền của Liên hợp quốc (OHCHR), bà Michelle Bachelet phát biểu tại một cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ

Ngày 12.7, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet đã kêu gọi các nước cần nỗ lực hơn nữa để xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống nhằm vào người da màu trên khắp thế giới, hối thúc các nước thẳng thắn thừa nhận và bù đắp cho những sai lầm trong quá khứ.

Trình bày báo cáo trước Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, được thực hiện sau vụ cảnh sát da trắng gây ra cái chết của công dân da màu George Floyd ở Mỹ vào năm ngoái, bà Bachelet đã mô tả vấn nạn phân biệt chủng tộc chống những người châu Phi và người gốc Phi đang tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc đến mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Trong báo cáo đề cập đến nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống trên toàn thế giới này, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của việc các nước cần đối mặt với những di sản của nạn buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương và chủ nghĩa thực dân.

Bà Bachelet nhấn mạnh rằng chỉ bằng cách đối mặt với những sai lầm trong quá khứ, các quốc gia mới có thể hy vọng "làm biến đổi cấu trúc, thể chế và hành vi dẫn đến tình trạng phân biệt chủng tộc trực tiếp hoặc gián tiếp."

Bà Bachelet cảnh báo rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có hệ thống và bạo lực liên quan tới sắc tộc ngày nay bắt nguồn từ việc các quốc gia không có sự thừa nhận chính thức về trách nhiệm của mình đối với việc các chính phủ trong quá khứ đã từng tham gia hoặc trục lợi từ hoạt động buôn bán nô lệ châu Phi xuyên Đại Tây Dương và chủ nghĩa thực dân.

Bà Bachelet kêu gọi các quốc gia "tạo ra, củng cố và tài trợ hoàn toàn cho các quy trình toàn diện" để chia sẻ sự thật về những hành vi liên quan tới vấn nạn buôn bán nô lệ trước đây cùng những tác hại mà vấn nạn này tiếp tục gây ra.

Theo bà Bachelet, việc thừa nhận sự thật về những di sản trên và tác động của chúng, cũng như triển khai các bước đi nhằm giải quyết những tác hại này thông qua một loạt các biện pháp khắc phục sẽ đóng vai trò then chốt trong việc "hàn gắn xã hội của chúng ta" và đảm bảo những tội ác kinh hoàng sẽ bị trừng trị nghiêm khắc.

Báo cáo của Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc đề cập tới 190 trường hợp người châu Phi và gốc Phi trên khắp thế giới thiệt mạng trong các vụ việc liên quan đến các nhân viên thực thi pháp luật, những người "hiếm khi phải chịu trách nhiệm" trước pháp luật.

Nổi bật trong số này phải kể tới vụ việc của công dân da màu người Mỹ Floyd; vụ một cậu bé 14 tuổi người Brazil gốc Phi, 14 tuổi, bị bắn chết trong một chiến dịch chống ma túy của cảnh sát ở Sao Paulo hồi tháng 5.2020; và vụ một thanh niên người Pháp gốc Mali, 24 tuổi, tử vong trong thời gian bị cảnh sát giam giữ vào tháng 7.2016.

Trong nhiều trường hợp, dữ liệu cho thấy các nạn nhân "không gây ra mối đe dọa tính mạng hay gây thương tích nghiêm trọng".

Báo cáo cũng cho biết tại nhiều quốc gia ở châu Âu và châu Mỹ, những người gốc Phi phải sống trong tình cảnh nghèo đói và phải đối mặt với những rào cản nghiêm trọng trong việc tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khỏe và việc làm, cũng như tham gia hoạt động chính trị và các quyền cơ bản khác của con người.

Báo cáo vạch ra chương trình nghị sự 4 điểm nhằm thực hiện những thay đổi mạnh mẽ để đảm bảo công bằng và bình đẳng chủng tộc, đồng thời kêu gọi các quốc gia thực hiện chương trình này.

Báo cáo kêu gọi các nước cần hành động ngay lập tức để chấm dứt tình trạng được mô tả là vi phạm mang tính hệ thống các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị. Theo đó, các quốc gia cần nhìn nhận thực tế khi đề cập đến tình trạng phân biệt chủng tộc.

Thứ hai, báo cáo cũng cho rằng cần xử lý nghiêm các nhân viên thực thi pháp luật vi phạm, xây dựng lòng tin và tăng cường giám sát.

Thứ ba, giới chức các nước cần đảm bảo lắng nghe tiếng nói và tâm tư của người da màu và các nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc. Điều này cần bao gồm việc đảm bảo sự đại diện cho người da màu ở mọi cấp trong các tổ chức nhà nước, bao gồm các cơ quan thực thi pháp luật, tư pháp và hoạch định chính sách.

Cuối cùng, các nước cần đối mặt với di sản của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trong quá khứ, bao gồm thông qua trách nhiệm giải trình và khắc phục hậu quả.

Vụ cảnh sát da trắng Derek Chauvin gây ra cái chết cho người đàn ông da màu Floyd đã khiến cả nước Mỹ chìm trong bạo loạn chống phân biệt chủng tộc suốt nhiều tháng trong năm 2020.

Hồi tháng 4 vừa qua, Chauvin bị tòa án Mỹ chính thức tuyên có tội với cả 3 tội danh giết người cấp độ hai, giết người cấp độ ba và ngộ sát.

Vào thời điểm đó, bà Bachelet đã nhấn mạnh rằng "vụ án đã cho thấy rõ ràng hơn bao giờ hết là còn nhiều việc phải làm để đảo ngược làn sóng phân biệt chủng tộc có hệ thống đang tràn ngập trong cuộc sống của những người gốc Phi".

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các nước cần xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống