Việc nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách về hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát là rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu và cải thiện chất lượng nhà ở ngày một tốt hơn cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến cho dự thảo Tờ trình và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát nhằm bảo đảm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở chắc chắn, an toàn.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về nhà ở, đặc biệt là hỗ trợ nhà ở đối với các hộ nghèo. Thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở, đã hỗ trợ cho hơn 1 triệu hộ gia đình người có công với cách mạng, hộ nghèo khu vực nông thôn và khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai bão, lụt có nhà ở an toàn, ổn định; tạo điều kiện cho khoảng 4 triệu người có công, hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định hơn trong cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về an sinh xã hội.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn rất nhiều hộ nghèo, cận nghèo cần hỗ trợ về nhà ở. Tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo trên cả nước là 1.586.336 hộ (số hộ nghèo là 815.101 hộ, số hộ cận nghèo là 771.235 hộ); trong đó, tổng số hộ nghèo và cận nghèo thiếu hụt về chất lượng nhà ở là khoảng 315.000 hộ (trong đó số hộ nghèo thiếu hụt về chất lượng nhà ở là 230.540; số hộ cận nghèo thiếu hụt về chất lượng nhà ở là 84.489). Như vậy, dự kiến số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ về nhà ở trên cả nước là khoảng 315.000 hộ.
Trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà ở như Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở; Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/08/2015 về hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 (chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2); Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ nhà ở này hiện nay đã kết thúc.
Do vậy, việc nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách về hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát là rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu và cải thiện chất lượng nhà ở ngày một tốt hơn cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng thời nâng cao mức sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện phát triển nguồn lực con người và giảm tỷ lệ hộ nghèo về nhà ở theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ "không ai bị bỏ lại phía sau".
Mục tiêu của chính sách nhằm bảo đảm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở chắc chắn, an toàn, kể cả với các loại hình thiên tai thường xuyên của vùng, miền, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững, xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát.
Dự thảo Quyết định nêu rõ việc hỗ trợ phải bảo đảm các nguyên tắc: Hỗ trợ trực tiếp đến từng hộ nghèo, hộ cận nghèo; bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân.
Phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện, đặc điểm, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc, các vùng miền gắn với củng cố quốc phòng, an ninh.
Huy động từ nhiều nguồn vốn hợp pháp để thực hiện, kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân cùng làm. Thực hiện hỗ trợ theo nguyên tắc: Nhà nước hỗ trợ trực tiếp một phần vốn, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở.
Việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật.
Theo dự thảo, hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ nhà ở phải đảm bảo các điều kiện sau:
Chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng nhà ở là nhà tạm, nhà dột nát hoặc diện tích nhà ở bình quân đầu người nhỏ hơn 8m2.
Nhà ở phải được xây dựng hoặc sửa chữa trên đất ở hợp pháp, phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở.
Chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội hoặc tổ chức khác. Trường hợp đã được hỗ trợ theo các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở thì phải thuộc một trong các trường hợp sau:
Thời gian hỗ trợ đã được trên 10 năm (tính từ thời điểm nghiệm thu đưa vào sử dụng), đến nay nhà ở đã xuống cấp, hư hỏng, không bảo đảm an toàn.
Nhà ở bị hư hỏng do các nguyên nhân bất khả kháng như bão, lũ, lụt, động đất, sạt lở đất, hỏa hoạn hoặc các loại hình thiên tai khác.
TB (tổng hợp)