Thời gian gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông liên tục có những biện pháp mạnh để xoá bỏ vấn nạn SIM rác.
Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều biện pháp tập trung xử lý vấn nạn SIM rác như chuẩn hóa thông tin thuê bao, dừng hoạt động các thuê bao có thông tin không chính xác; yêu cầu tất cả các nhà mạng phải ngừng bán SIM di động tại đại lý, điểm bán; ngừng thử nghiệm đăng ký thông tin thuê bao và kích hoạt SIM trực tuyến...
Các nhà mạng ở Hải Dương đã thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, đã khóa user cấp cho các đại lý dùng để đăng ký, kích hoạt SIM cho khách hàng. Đối với lượng SIM tồn ở các đại lý, điểm bán, các nhà mạng đã tiến hành đóng KIT.
Tuy nhiên đến nay, tại một số đại lý, cửa hàng bán SIM, thẻ điện thoại trên địa bàn Hải Dương, người dùng vẫn dễ dàng mua SIM rác, SIM số đẹp của các nhà mạng. Nhiều SIM đã được kích hoạt sẵn, có thông tin thuê bao, khách hàng chỉ việc nạp tiền để liên lạc. Ngoài ra, SIM rác còn được rao bán trên mạng xã hội.
Đây là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng có nhiều tin nhắn, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo làm mất trật tự an toàn xã hội và ảnh hưởng đến quyền lợi của chính người sử dụng.
Điều này có thể hiểu được vì lượng SIM tồn, SIM kích hoạt sẵn vẫn còn rất nhiều do những giai đoạn phát triển "nóng" trước đây của các nhà mạng. Ngoài ra, theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP, một người dùng có thể đăng ký 3 SIM với mỗi nhà mạng bằng giấy tờ và thông tin cá nhân. Còn nếu đăng ký từ thuê bao thứ 4 thì buộc phải có hợp đồng với nhà mạng. Nếu không có sự giám sát chặt chẽ của các nhà mạng, đây có thể là kẽ hở để người dùng lợi dụng sở hữu nhiều SIM và bán ra thị trường. Khi đó, xảy ra tình trạng SIM thuê bao đứng tên một khách hàng không trùng khớp với người sử dụng.
Một nguyên nhân khác khiến nạn SIM rác chưa được xử lý triệt để là do các biện pháp của cơ quan chức năng chưa đủ sức răn đe.
Do đó, ngày 7/3, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải xử lý xong tất cả các SIM tồn, chuyển về SIM không có thông tin thuê bao, bảo đảm SIM chỉ có thể kích hoạt, phát triển mới bởi chính các nhà mạng. Trước ngày 22/3 tới, các SIM đang khóa 2 chiều, có thông tin thuê bao, có gói cước phải chuyển trạng thái về SIM không có thông tin thuê bao. Trước ngày 15/4, các SIM đang khóa 1 chiều, có dấu hiệu kích hoạt sẵn phải chuyển trạng thái về SIM không có thông tin thuê bao. Các đơn vị viễn thông phải kiểm tra tệp khách hàng cá nhân và tổ chức có giấy tờ đăng ký từ 4-9 SIM nhằm bảo đảm thông tin đầy đủ, chính xác và xác thực việc sử dụng thuê bao. Người dùng sẽ phải chịu trách nhiệm trong trường hợp thuê bao đứng tên được sử dụng cho hành vi vi phạm pháp luật.
Từ ngày 15/4, các doanh nghiệp viễn thông chịu trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định. Trong đó có thể xem xét ở mức cao nhất là dừng phát triển thuê bao mới. Đồng thời, người đứng đầu các doanh nghiệp viễn thông cũng phải chịu trách nhiệm về việc này.
So với trước đây những biện pháp mới nhất này khá mạnh tay, có lộ trình rõ ràng, đặt ra thời hạn để từng bước loại bỏ SIM rác.
Ngoài tác động đến quyền lợi của doanh nghiệp, quy trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị viễn thông, các biện pháp mới cũng yêu cầu người dùng phải nghiêm túc thực hiện và chịu trách nhiệm khi sử dụng thuê bao không đúng quy định.
Mặc dù không phải một sớm một chiều có thể xử lý vấn đề SIM rác, nhưng những yêu cầu mới này được kỳ vọng sẽ hạn chế tiến tới xóa bỏ vấn nạn này.
NHẤT NGUYÊN