Từ 1.7.2020, khi Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức chính thức có hiệu lực thì viên chức muốn được tuyển dụng vào công chức phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện.
Theo quy định hiện hành, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập có thể được chuyển sang công chức nếu đáp ứng một số yêu cầu nhất định.
Điều kiện chuyển sang công chức
Điều 37 Luật Cán bộ công chức năm 2008 quy định, công chức được tuyển dụng thông qua thi tuyển trừ trường hợp có đủ điều kiện đăng ký công chức mà cam kết tình nguyện làm việc 5 năm trở lên ở miền núi, biên giới … đặc biệt khó khăn thì được tuyển dụng thông qua xét tuyển.
Riêng vấn đề chuyển sang công chức của viên chức được hướng dẫn chi tiết tại điều 42 của Nghị định 29/2012/NĐ-CP. Theo đó, viên chức nếu có đủ các điều kiện theo quy định thì được xét tuyển công chức không qua thi tuyển.
Theo quy định hiện nay, viên chức vẫn có thể được tuyển dụng vào công chức
Các điều kiện đó gồm: Có thời gian làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập từ đủ 60 tháng trở lên (không kể thời gian tập sự); Có trình độ đào tạo, kinh nghiệp công tác, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng; Cơ quan quản lý, sử dụng công chức có nhu cầu tuyển dụng.
Đồng thời, điều kiện viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập được tuyển dụng vào công chức cũng được nêu rõ tại khoản 11, điều 1 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP sửa đổi Điều 19 Nghị định 24 năm 2010 gồm: Căn cứ điều kiện đăng ký dự tuyển công chức và theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng; Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên; Có ít nhất 5 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên; Có đóng BHXH bắt buộc, không kể thời gian tập sự, thử việc. Nếu có thời gian công tác đóng BHXH bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp BHXH 1 lần thì được cộng dồn.
Đây cũng là điều kiện để tiếp nhận đặc biệt trong tuyển dụng công chức được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3, điều 1 Thông tư số 03/2019/TT-BNV .
Như vậy, có thể thấy, hiện nay Luật chỉ mới quy định công chức được tuyển dụng thông qua thi tuyển và chỉ xét tuyển với 1 trường hợp duy nhất mà không quy định về việc chuyển đổi từ viên chức sang công chức. Tuy nhiên, nội dung này lại được Chính phủ và Bộ Nội vụ hướng dẫn cụ thể tại các Nghị định cùng Thông tư liên quan.
Do đó, theo quy định hiện nay, viên chức vẫn có thể được tuyển dụng vào công chức.
Các quy định mới
So với quy định trước đây, điều 37 của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 đã được điều chỉnh bởi khoản 5, điều 1 Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, bổ sung 2019. Theo đó, việc tuyển dụng công chức thông qua xét tuyển và các trường hợp đặc biệt khác được chính thức nêu trong luật.
Cụ thể, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức có quyền quyết định tiếp nhận viên chức công tác trong đơn vị sự nghiệp công lập, đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của vị trí việc làm vào làm công chức.
Viên chức muốn được tuyển dụng vào công chức phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện
Nội dung này góp phần thống nhất quy định khác được nêu trong văn bản hướng dẫn chi tiết đã được ban hành trước đó. Đồng thời, Luật cũng nêu rõ, những viên chức làm việc ở đơn vị sự nghiệp công lập phải đang không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật và phải có đủ 5 năm công tác trở lên phù hợp với lĩnh vực tiếp nhận.
Ngoài ra, tại Luật Viên chức sửa đổi, quá trình cống hiến, thời gian công tác của viên chức trước khi chuyển sang công chức được xem xét khi thực hiện các nội dung liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng và các quyền lợi khác.
Như vậy, từ 1.7.2020, khi Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức chính thức có hiệu lực thì viên chức muốn được tuyển dụng vào công chức phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật (quy định mới); có bằng tốt nghiệp đại học; có ít nhất 5 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên; cơ quan quản lý, sử dụng công chức có nhu cầu tuyển dụng; có đóng BHXH bắt buộc, không kể thời gian tập sự, thử việc…
Theo Người lao động