Để bảo đảm cán bộ, công chức có đời sống đáp ứng được ở một mức tiền lương cố định, Bộ Nội vụ đang xin một mức lương khoảng trên 5 triệu đồng, tức là lương tối thiểu vùng áp dụng với các đối tượng này.
"Một trong những nội dung về cải cách tiền lương sẽ được xin ý kiến Bộ Chính trị là việc bảo lưu tiền lương, bảo đảm thu nhập của cán bộ, công chức khi chuyển sang lương mới không thấp hơn lương cũ”, Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh thông tin tại họp báo Chính phủ diễn ra chiều 4/5.
Theo Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh, để thực hiện Chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII ngày 21/5/2018, Bộ Nội vụ đã tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và một số các cơ quan liên quan xây dựng 5 hệ thống thang bảng lương.
Thứ nhất: Bảng lương chức vụ đối với các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương cho đến cấp xã. Nội dung này, theo ông Vũ Đăng Minh, phải mất nhiều năm, Việt Nam mới có thể ban hành ra được danh mục các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý và tương đương từ Trung ương đến cấp xã.
Thứ hai: Xây dựng hệ thống bảng lương chuyên môn, tức là những cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo, quản lý. Và 3 bảng lương trong lực lượng vũ trang, trong đó có những người làm công tác cơ yếu. Đó là bảng lương áp dụng đối với sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân. Bảng lương quân nhân chuyên nghiệp quân đội, chuyên môn kỹ thuật công an. Bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.
Bộ Nội vụ đã cùng với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ để báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến về các nội dung cơ bản của các cải cách chính sách tiền lương.
“Có mấy vấn đề chúng tôi cần phải xin ý kiến, đó là thống nhất cho 5 thang bảng lương và 9 nhóm phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý và các chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang. Vấn đề thứ hai là việc thực hiện bảo lưu tiền lương cũng như thu nhập đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Khi chúng ta thực hiện việc xếp lương, nếu lương mới thấp hơn lương cũ, cho phép bảo lưu lương theo tinh thần Nghị quyết 27”, ông Vũ Đăng Minh cho biết.
Theo Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ, để bảo đảm đối tượng cán bộ, công chức này có đời sống đáp ứng được ở một mức tiền lương cố định, Bộ Nội vụ đang xin một mức lương khoảng trên 5 triệu đồng, tức là lương tối thiểu vùng áp dụng với các đối tượng này. “Khi chúng ta cải cách tiền lương thì bảo đảm những người có thu nhập thấp nhất cũng không thấp hơn 5 triệu. Con số này còn phải xin ý kiến của Bộ Chính trị”, ông Vũ Đăng Minh thông tin.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng đang xin ý kiến việc thực hiện mức khoán bằng số tiền cụ thể đối với cán bộ công chức, đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã để áp dụng mức khoán đối với cán bộ chuyên trách chính quyền cơ sở.
Để bảo đảm nguồn cải cách tiền lương, ông Vũ Đăng Minh khẳng định: Bộ Nội vụ kiên trì sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn và tiếp tục tinh giản biên chế, tăng nguồn cho cải cách tiền lương.
Đối với việc xây dựng vị trí việc làm để làm cơ sở cải cách tiền lương, theo Bộ Nội vụ, hiện nay có 3 bộ là: Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và Thanh tra Chính phủ chưa phê duyệt được vì liên quan đến xác định các yếu tố kỹ thuật chuyên ngành.
“Cơ quan của Chính phủ hiện nay còn duy nhất Đại học Quốc gia Hà Nội chưa ban hành. Địa phương còn TP Hồ Chí Minh và tỉnh Thừa Thiên Huế. Cơ bản theo kế hoạch đặt ra mục tiêu đầu tháng 5 này, chúng tôi có thẩm tra sơ bộ với các bộ, ngành, còn 6 cơ quan trên sẽ hoàn thành trong nửa đầu tháng 5/2024. Với tiến độ như thế này, chúng tôi tin rằng, sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị, chúng ta đã xây dựng xong vị trí việc làm và đủ điều kiện để sắp xếp vị trí, tính toán tiền lương cho các đối tượng trong các thang bảng lương”, đại diện Bộ Nội vụ cho biết.