​Các ấn phẩm chữ Quốc ngữ cổ lần đầu được giới thiệu tới công chúng Pháp

28/05/2023 18:27

Vào những ngày cuối tháng 5 này, khi đến Thư viện Đại học Ngôn ngữ và Văn minh (BULAC) ở thủ đô Paris, công chúng Pháp sẽ có dịp được chiêm ngưỡng một số ấn phẩm cổ của chữ Quốc ngữ.


Một số ấn phẩm chữ Quốc ngữ cổ được trưng bày tại thư viện BULAC ở Paris

Đây là lần đầu tiên các ấn phẩm mang phông chữ tiếng Việt cổ được đưa ra giới thiệu trong khuôn khổ triển lãm “Chữ quốc ngữ, nhân tố cơ bản trong sự đổi mới văn hóa Việt Nam từ năm 1860 đến 1945”. 

Những cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam mang phong cách phương Tây như “Thầy Lazaro Phiền” của Nguyễn Trọng Quản xuất bản năm 1887, hay “Chuyện đời xưa” (1866); những tác phẩm văn học nổi tiếng dịch từ tiếng Trung và tiếng Pháp như “Tam quốc chí diễn nghĩa” do Phan Kế Bính và Nguyễn Văn Vĩnh dịch và xuất bản năm 1909, “Những kẻ khốn nạn” (sau này được dịch lại là “Những người khốn khổ” - 1926), “Ba người ngự lâm pháo thủ” (1927); những số báo Gia định đầu tiên xuất bản tháng 7.1865, hay tạp chí Nam Phong (1923); những cuốn tự điển, sách dạy tiếng Việt, và cả truyện thơ Kim Vân Kiều hay Lục Vân Tiên… khoảng hơn 20 tác phẩm cổ, tất cả đều được in bằng chữ Quốc ngữ, lần đầu tiên được trưng bày ở thư viên BULAC.

Đây là những ấn phẩm tiêu biểu trong hơn 1.000 ấn phẩm mà thư viện BULAC sưu tập được trong giai đoạn phát triển đầu tiên của chữ Quốc ngữ hồi cuối thể kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, được lựa chọn để đưa ra giới thiệu rộng rãi tới công chúng Pháp trong khuôn khổ cuộc triển lãm mang tên “Chữ quốc ngữ, nhân tố cơ bản trong sự đổi mới văn hóa Việt Nam từ năm 1860 đến 1945”, mở cửa đến hết ngày 31.5.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hải, phụ trách triển lãm và điều phối tư liệu Đông Nam Á của thư viện BULAC, phông tiếng Việt của BULAC là một trong những phông cổ nhất được sưu tầm và lưu giữ ở Pháp. Bà cho biết môn tiếng Việt bắt đầu được giảng dạy tại Paris kể từ năm 1869 trong các buổi học tự do tại Đại học Sorbonne. Phải tới giai đoạn 1871-1872, bộ môn này mới chính thức được đưa vào giảng dạy tại Trường Sinh ngữ Phương đông, nay là Viện quốc gia Ngôn ngữ và Văn minh Phương đông (INALCO). Tại thời điểm đó, trường có liên kết với nhiều học giả ở miền Nam Việt Nam như Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký… để đưa các ấn phẩm, sách, truyện và báo chí tiếng Việt sang Pháp.

Đến đầu thế kỷ 20, chính quyền Pháp ủng hộ việc truyền bá chữ Quốc ngữ, do đó có rất nhiều những ấn phẩm tiếng Việt được tập hợp tại Thư viện liên đại học Sinh ngữ Phương đông (BIULO), Cơ quan Đào tạo - Nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn Minh Đông Á (LCAO) và Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO). Các kho sách đó sau này được chuyển về BULAC và thư viện này trở thành một trong những kho tàng phông tiếng Việt lớn nhất và lâu đời nhất tại Pháp, với số lượng lên tới 13.000 đầu sách (16.500 cuốn), đặc biệt có hơn 9.000 đầu sách bằng tiếng Việt, cũng như khoảng 100 đầu báo và tạp chí học thuật, trong đó có khoảng 20 đầu báo vẫn hiện hành cho tới ngày nay.


Tiến sĩ Nguyễn Thị Hải giới thiệu với Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng các ấn phẩm trong triển lãm tư liệu cổ Việt Nam tại Thư viện BULAC ở Paris

Bên cạnh đó, thư viện BULAC còn tiếp nhận gần một trăm văn bản bằng chữ Hán Nôm, chủ yếu là các tác phẩm văn học, được tập hợp từ bộ sưu tập của thư viện BIULO và một số khác đến từ những bộ sưu tập cá nhân hiến tặng, trong đó có hai ấn bản của thiên sử thi nổi tiếng “Truyện Lục Vân Tiên” được xuất bản song ngữ tiếng Hán Nôm và Quốc ngữ năm 1874 và “Kim Vân Kiều Truyện”, năm 1871.

Theo tài liệu của thư viện BULAC, trong bối cảnh biến động bởi chế độ thuộc địa, Việt Nam là quốc gia châu Á duy nhất từ bỏ việc sử dụng chữ tượng hình Hán Nôm, chính thức chuyển sang một hệ thống chữ viết mới dựa trên các ký tự La-tinh. Chữ viết này, được gọi là Quốc ngữ, là kết quả của sự hợp tác từ thế kỷ 17 giữa các nhà truyền giáo châu Âu và các học giả Cơ đốc giáo đầu tiên của Việt Nam, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền bá phúc âm. Trong thế kỷ 19, việc in ấn kiểu chữ tượng hình bằng kỹ thuật in xylography gặp nhiều khó khăn góp phần tạo ra một sự thay đổi cơ bản về chữ viết ở Việt Nam.


Tác phẩm Lục Vân Tiên bằng chữ Quốc ngữ in năm 1883

Ngay sau khi chiếm được Nam Kỳ, việc thiết lập chế độ thuộc địa của Pháp đã thúc đẩy việc sử dụng tiếng Việt La-tinh hóa phục vụ mục đích hành chính và chính trị. Việc thay thế chữ Hán Nôm bằng Quốc ngữ đã được đề xuất và được phê chuẩn, và sự phát triển của cách viết tiếng Việt mới này đã dẫn đến những biến đổi văn hóa quan trọng. Các ấn bản tiếng Việt bằng Quốc ngữ sau đó đã phát triển mạnh mẽ từ năm 1870. Bằng chứng là việc chính quyền thuộc địa, các học giả Cơ đốc giáo và rộng hơn là một tầng lớp ưu tú mới nổi lên xuất bản hàng loạt những ấn phẩm phiên âm và bản dịch của các tác phẩm cổ đại, từ điển, sách hướng dẫn ngôn ngữ, truyện ngắn, tiểu thuyết...

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hải cho biết thêm rằng mặc dù ban đầu việc phát triển chữ Quốc ngữ nhận được sự khuyến khích mạnh mẽ của chính quyền Pháp, nhưng các nho sĩ và các trí thức Việt nam thời kỳ đó lại chưa thực sự ủng hộ điều này. Tuy nhiên đến đầu thế kỷ 20, họ nhận thấy rằng chữ Quốc ngữ mở ra cơ hội tiếp cận những tư tưởng tự do mới và tri thức của phương Tây, có thể giúp Việt Nam tìm thấy con đường độc lập và xây dựng một quốc gia hiện đại, nên họ đã ra sức phát triển chữ Quốc ngữ bằng cách viết báo, dịch sách, viết truyện, truyền bá tư tưởng phương Tây và chữ Quốc ngữ, góp phần tạo ra trào lưu văn thơ mới, giúp chữ Quốc ngữ trở thành chữ viết, cũng là ngôn ngữ chính thống của văn học và văn hóa Việt Nam ngày nay. Dễ đọc và dễ viết, Quốc ngữ đã được người Việt Nam chấp nhận và sử dụng ngày càng nhiều. Sự lan tỏa thông qua báo chí và văn học hiện đại đã tạo nên một bước ngoặt thực sự trong lịch sử Việt Nam.

1,5 triệu tư liệu, ấn phẩm của 350 ngôn ngữ

Ông Benjamin Guichard, giám đốc khoa học thư viện BULAC không giấu niềm tự hào về thư viện của mình. Ông cho biết BULAC được thành lập năm 2011, tập hợp hơn 1,5 triệu tư liệu, ấn phẩm của 350 ngôn ngữ và 80 hệ chữ trên thế giới. “Đây là thư viện duy nhất ở Pháp, thậm chí ở châu Âu, tập hợp tài liệu của hơn 350 ngôn ngữ trên thế giới. Tất cả các hệ thống chữ viết được lưu giữ tại thư viện đều được sưu tầm từ giữa thế kỷ 19. Năm nay thư viện kỷ niệm 150 năm hình thành kho tàng các bộ sưu tập về ngôn ngữ, văn học, nền văn minh và kiến thức khổng lồ này. Trong số các tư liệu mà chúng tôi có, các bộ sưu tập của Việt Nam là một trong những bộ hồ sơ lâu đời nhất của châu Á. Có niên đại từ giữa thế kỷ 19, chúng gắn liền với lịch sử thuộc địa của Việt Nam, với lịch sử đô hộ của Pháp, với sự trao đổi giữa các học giả Việt Nam và Pháp, được thể hiện bằng những tài liệu rất hiếm, thuộc trong số những văn bản đầu tiên của Việt Nam được in bằng ký tự La-tinh trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX”, ông chia sẻ.


Triển lãm mang tới cho công chúng một góc nhìn rõ nét về quá trình phát triển của phông chữ tiếng Việt

Ông Benjamin Guichard cũng cho biết thêm, kho tàng phông tiếng Việt phong phú này đã thu hút nhiều chuyên gia và học giả, nghiên cứu sinh và sinh viên đến tìm tài liệu nghiên cứu về Việt Nam, cũng như tìm hiểu các tư liệu cổ và ấn bản văn học được viết bằng chữ Hán Nôm và chữ Quốc ngữ. Từ hàng chục năm nay, BULAC vẫn duy trì việc sưu tầm các tài liệu có phông chữ tiếng Việt. Mỗi năm thư viện mua khoảng 200 trăm đầu sách bằng tiếng Việt để cập nhật những nghiên cứu mới về Việt Nam. Các tài liệu này, phần lớn được sưu tầm ở Việt Nam, những cũng có nhiều tài liệu đến từ Nga, Pháp, Hoa Kỳ hay từ các quốc gia khác trên thế giới. Ông Benjamin Guichard bày tỏ mong muốn được tiếp nhận thêm ấn phẩm nguyên bản tiếng Việt đặc sắc, về các chủ đề đa dạng, để làm phong phú thêm phông Việt Nam tại thư viện BULAC.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ​Các ấn phẩm chữ Quốc ngữ cổ lần đầu được giới thiệu tới công chúng Pháp