Từ xưa đến nay, muốn con em mình trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, phụ huynh thường hướng các em tham dự các kỳ tuyển sinh hằng năm để vào trường năng khiếu ở các địa phương.
Trưởng đoàn U13 Hoàng Anh Gia Lai - Trần Văn Quỳnh - đang săn sóc “gà nhà” ở vòng loại Giải U13 toàn quốc 2022 - Ảnh: ANH TRẦN
Không ít em bị lọt sổ bởi nhiều lý do khách quan hoặc những quy định khắt khe, và thế là giấc mơ đá bóng chuyên nghiệp sớm lụi tàn.
Làm sao để các em nhỏ được thỏa nỗi đam mê bóng đá và có cơ hội trở thành cầu thủ chuyên nghiệp? Câu hỏi này giờ đây đã có lời đáp.
Kêu gọi phụ huynh chung sức
Hằng năm, Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai đều mở các cuộc tuyển sinh để tuyển chọn tài năng với nhiều hình thức khác nhau. Dù số lượng dự tuyển rất đông nhưng thí sinh trúng tuyển luôn dừng lại ở mức 20 - 25 em cho mỗi lứa tuổi.
Đa số các em bị trượt là do tâm lý hoặc chưa quen ứng xử với các bài thi tuyển. Để những thí sinh có điều kiện tiếp tục theo đuổi đam mê của mình, kể từ kỳ tuyển sinh 2022, học viện đã khai sinh thêm cách làm mới: kêu gọi phụ huynh đóng tiền cho con em mình vào lớp dự tuyển từ 10 đến 12 tuổi.
Ở lớp học này, các em vẫn được đối xử như lứa trúng tuyển chính thức như học văn hóa ở trường quốc tế, học đá bóng với giáo án chung của học viện, có đội ngũ bác sĩ, bảo mẫu, HLV riêng, ăn ở, dinh dưỡng...
Sau mỗi 2 năm, các em sẽ thi tuyển một lần. Nếu đạt được các bước sát hạch, các em được chuyển lên học cùng các bạn năng khiếu của học viện. Khi ấy, phụ huynh sẽ không phải đóng học phí với mức 360 triệu đồng/năm/em.
Sau nhiều lần tìm hiểu cặn kẽ trước khi ký hợp đồng, tính đến tháng 7 vừa rồi, đã có khoảng 25 phụ huynh đăng ký cho con em mình tham gia vào mô hình đào tạo này.
Người mở đường
Sau nhiều năm là cổ động viên của Hoàng Anh Gia Lai, doanh nhân Trần Văn Quỳnh (44 tuổi, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vị trí vàng Kon Tum - chuyên về xây dựng, dịch vụ nhà hàng khách sạn, bất động sản, dược liệu và vận tải) kết thân được với bầu Đức từ mùa bóng 2021.
Ông Quỳnh nói: "Tôi đến với Hoàng Anh Gia Lai chỉ vì tình yêu bóng đá, thích cách làm và nuôi dưỡng tài năng trẻ mà bầu Đức đeo đuổi hai thập niên qua. Nhiều thế hệ cầu thủ trưởng thành từ đây, luôn được người hâm mộ trân quý vì tài năng, đạo đức, cư xử có văn hóa và luôn "cháy" hết mình với quả bóng.
Thời gian đi qua, bầu Đức dần hiểu được cái tình của tôi đối với câu lạc bộ nên đã đồng ý cho tôi dấn thân nhiều hơn với vai trò trưởng đoàn các đội trẻ dự giải quốc gia. Và mới nhất là nhiệm vụ giám đốc đào tạo trẻ của học viện từ mùa hè này.
Công việc kinh doanh đang tốt, được vận hành bởi đội ngũ chuyên nghiệp nên tôi có nhiều thời gian dành cho các tài năng trẻ khi cùng ăn ở, sát cánh với các em qua từng buổi tập, đồng hành ngược xuôi khắp nơi để đá giao hữu và đá giải...".
Là doanh nhân, mọi cuộc đầu tư đều nhắm tới lợi nhuận. Liệu rằng mô hình này có hướng tới mục đích đó? Ông Trần Văn Quỳnh đáp ngay: "Tôi và bầu Đức cùng thống nhất là không tính thiệt hơn về lợi nhuận. Học phí đều chạy thẳng về học viện mà không do tôi quản lý việc chi tiêu. Chưa kể tôi đã ký hợp đồng tài trợ 30 tỷ đồng trong 10 năm liền cho học viện".
Cơ hội để các em được chơi bóng
Cái lợi lớn nhất mà bầu Đức và ông Quỳnh nhắm tới là tạo cơ hội cho các em được chơi bóng để thỏa đam mê. Các em được đào tạo đúng bài bản như cách làm lâu nay của học viện. Tài năng của các em phát triển tốt thì phụ huynh đỡ tốn học phí.
"Nếu vì lý do nào đó mà các em không trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, chúng tôi sẽ tạo cơ hội giúp các em chuyển sang nghiệp huấn luyện viên, làm bóng đá cộng đồng hay các phần việc khác liên quan tới thể thao hoặc bóng đá như quản lý, điều hành câu lạc bộ, hoặc làm việc trong tập đoàn...
Được ăn học chính quy cả văn hóa lẫn ngoại ngữ, các em có nhiều con đường để vào đời. Có lẽ đó là "lợi nhuận" lớn nhất mà chúng tôi lẫn phụ huynh các em cùng nhắm đến. Và tất nhiên là khi ấy thương hiệu của học viện nói riêng, hình ảnh Hoàng Anh Gia Lai nói chung càng thêm căn cơ, phát triển rộng và mạnh..." - ông Quỳnh tâm sự.
Phải mất 7 năm nữa mới có điều kiện đầy đủ để kiểm chứng rằng mô hình đào tạo có hiệu quả, thành công hay không. Nhưng có thể nói rằng mô hình đào tạo trẻ kết hợp giữa gia đình và Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai là hướng đi thú vị.
Không tạo biệt lệ
Có hai cậu con trai 10 và 12 tuổi đam mê bóng đá, trong đó cậu con 12 tuổi đang là thủ môn chính cho lứa năng khiếu U13 học viện. Dù đương nhiên có tiêu chuẩn miễn đóng học phí nhưng ông Quỳnh lại chuyển cả hai cháu vào lớp học dự tuyển.
Mới rồi, ông vừa gửi thêm cậu con nuôi 12 tuổi - thi rớt tuyển sinh - vào lớp học dự tuyển. Ông Quỳnh nói: "Dù là người đi mở đường cho mô hình đào tạo mới này nhưng tôi không muốn tạo ra biệt lệ hay sự ưu ái cho gia đình".
Theo Tuổi trẻ