Bình yên nơi cò vạc đến ở

12/09/2022 11:09

Nhiều nơi trong tỉnh có môi trường sống thanh bình, được bảo vệ cẩn thận nên cò, vạc trở về trú ngụ ngày càng nhiều.


Đàn cò, vạc bay về trú ngụ tại khu vườn của gia đình anh Nguyễn Đức Thanh ở thôn Cao Dương, xã Gia Khánh (Gia Lộc) (Ảnh do anh Thanh cung cấp)

Đất lành

Từ 6-7 năm nay, khi trời chập choạng tối, có rất nhiều cò, vạc bay theo từng tốp trở về khu vườn rộng hơn 2 ha giữa cánh đồng của gia đình anh Nguyễn Đức Thanh ở thôn Cao Dương, xã Gia Khánh (Gia Lộc). Anh Thanh cho biết: “Không biết từ đâu, đàn cò, vạc về làm tổ trong khu vườn ngày càng nhiều. Lúc đầu chỉ vài chục con, hiện khoảng 7.000 con, chủ yếu là cò, còn vạc ít hơn. Có nhiều loại cò như cò lửa, bợ, ruồi, trắng…”.

Theo lời kể của anh Thanh, buổi sáng khoảng 4-5 giờ chúng sẽ thức dậy, gọi nhau inh ỏi, sau đó tản đi kiếm ăn và đến chiều muộn lại quay trở về. Nhiều con cò đã chọn nơi đây làm tổ, đẻ trứng. Có đợt do ảnh hưởng của mưa bão, cò vạc bỏ đi đáng kể làm anh Thanh lo lắng, song mấy ngày sau chúng lại quay về với số lượng nhiều hơn trước.

Giải thích tại sao thôn Quảng Tân, xã Nam Tân (Nam Sách) gần đây lại thu hút nhiều cò trắng về sinh sống, làm tổ, ông Nguyễn Văn Hợp, một người dân cho biết: “Có lẽ do Nam Tân có nguồn thức ăn dồi dào và cây cối xanh tốt, trong đó có nhiều bụi tre rậm rạp, cao nên phù hợp để cò trú ngụ”. Có thời điểm, cò về đậu trắng cả cánh đồng thôn Quảng Tân, nhất là ở những khu vực người dân nuôi thủy sản. 


Đàn cò về đậu tại thôn Quảng Tân, xã Nam Tân (Nam Sách)

Để đàn cò gắn bó hơn với khu vườn của gia đình, ông Hà Văn Thể ở đội 2, thôn Ngọc Hòa, xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang) đã trồng thêm tre, cây xanh, xoan làm nơi trú ngụ cho cò. Vì có nơi sinh sống phù hợp như vậy nên từ hơn 1.000 con ban đầu, sau 5 năm đến nay trong vườn nhà ông Thể có khoảng 5.000 con cò.

Bảo vệ

Ở Hải Dương hiện vẫn còn những nơi có nhiều cây xanh, bãi, thùng vũng nhưng không phải nơi nào cò, vạc cũng đến làm tổ, sinh sống. Cùng một cánh đồng thôn Cao Dương, gần nhà anh Thanh có nhiều khu vực cây cối rậm rạp, xanh tốt nhưng đàn cò, vạc không đến mà lại bay về vườn nhà anh. Nguyên nhân do ở đó không có người bảo vệ, thậm chí có người còn đến săn bắt khiến chúng sợ hãi không dám ở lại. “Khi thấy cò vạc về nhiều, tôi đã đào ao, tạo khu bãi biệt lập với xung quanh. Tôi còn lắp 6 camera, thuê một người bảo vệ, tránh người dân đến săn bắt cò, vạc”, anh Thanh nói.


Để đàn cò gắn bó với khu vườn, ông Hà Văn Thể ở đội 2 thôn Ngọc Hòa, xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang) đã trồng nhiều tre, cây xanh, xoan làm nơi trú ngụ cho cò

Cùng với người dân, các cấp chính quyền tại những nơi có cò, vạc trở về cũng có nhiều biện pháp bảo vệ. Ông Hoàng Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Nam Tân (Nam Sách) cho biết: “Chúng tôi đã tích cực tuyên truyền người dân không săn bắt nguồn lợi tự nhiên cũng như chim, cò nên ý thức của các hộ dân đã thay đổi rõ rệt. Hiện nay, ở địa phương không có tình trạng bẫy hoặc bắn chim, cò. Để bảo vệ các ao cá giống, cá trạch, người dân chăng lưới bên trên nên hạn chế tình trạng cò bắt cá mà vẫn bảo vệ được đàn cò".

Trong quy hoạch vùng huyện, Ninh Giang đã quy hoạch khu du lịch sinh thái rộng 40 ha ở thôn Ngọc Hòa, trong đó có khu vườn chim của gia đình ông Thể. Ông Nguyễn Xuân Thiêm, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa cho biết: “Đây là giải pháp hữu hiệu nhất để giữ gìn môi trường sống trong lành cho đàn cò, vạc cũng như thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái tại địa phương”.

Môi trường ở những nơi đàn cò, vạc trở về làm tổ, sinh sống rất bình yên, được bảo vệ cẩn thận. Các địa phương cần có những chính sách cụ thể hơn, phối hợp chặt chẽ với các chủ vườn chim giữ gìn món quà quý này của tự nhiên.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bình yên nơi cò vạc đến ở