Theo nghiên cứu, có tới 8 yếu tố chính góp phần vào việc ngoại tình, bao gồm cả hết yêu, ham muốn tình dục và muốn thử cảm giác mới mẻ.
Gloria (29 tuổi, Mỹ) từng lừa dối bạn trai. Khi người đàn ông khác tán tỉnh, Gloria bị rung động và phản bội dù biết đó là điều sai trái. Lời thú nhận của cô với bạn trai đã đặt dấu chấm hết cho chuyện tình của họ.
Theo Health, ngoại tình là việc không nên làm, nhưng vẫn thường xảy ra.
Nhà trị liệu tình dục Vanessa Marin cho biết: “Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng một người ngoại tình vì không hạnh phúc trong mối quan hệ tình cảm. Điều đó có thể đúng nhưng thực tế phức tạp hơn”.
Theo Marin, một số người không chủ động lừa dối, nhưng khi cơ hội tự xuất hiện (ai đó thú nhận bị thu hút bởi họ), họ vẫn tiến tới chuyện ngoại tình.
"Hành động đó không chỉ phá vỡ lòng tin mà còn là sự phản bội các giá trị", cô nói.
Lý do ngoại tình
Năm 2017, nghiên cứu về sự phản bội được công bố trên tạp chí The Journal of Sex Research sử dụng cuộc khảo sát trực tuyến với 495 người từng không chung thủy. Trong đó, có 259 nữ, 213 nam và 23 người không tiết lộ giới tính. 87,9% đối tượng khảo sát có mối quan hệ dị tính và chủ yếu là thanh niên 20 tuổi.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra 8 yếu tố chính góp phần vào việc ngoại tình.
Sự tức giận hoặc mong muốn trả đũa: Yếu tố này có thể bao gồm sự thất vọng khi đối tác không hiểu mình; giận vì người yêu không ở bên thường xuyên; đối phương không có nhiều thứ để cho đi về thể chất hoặc tình cảm; cảm giác bực bội sau mỗi cuộc tranh cãi.
Hết yêu: Cảm giác thích thú khi yêu ai đó thường không kéo dài mãi mãi. Khi mới yêu, một người có thể cảm thấy say mê, phấn khích và tràn ngập dopamine khi nhận được tin nhắn từ nửa kia. Nhưng cường độ của những cảm giác này thường mất dần theo thời gian. Khi đó, họ nhận ra mình hết yêu hoặc có tình cảm với người khác. Mong muốn được trải nghiệm lại tình yêu thúc đẩy sự không chung thủy.
Các yếu tố tình huống và cơ hội: Có cơ hội để ngoại tình có thể làm cho khả năng phản bội cao hơn. Điều này không có nghĩa là ai có cơ hội lừa dối cũng sẽ làm như vậy. Một số yếu tố tình huống nhất định cũng có khả năng dẫn đến sự phản bội, ngay cả trong mối quan hệ bền chặt, viên mãn, bao gồm say xỉn và ngủ với ai đó sau đêm đi chơi; muốn giải tỏa tâm lý sau sự kiện đau buồn; sống hoặc làm việc trong môi trường có nhiều va chạm thể xác và kết nối cảm xúc.
Các vấn đề về cam kết: Những người gặp khó khăn với việc cam kết có thể dễ ngoại tình hơn trong một số trường hợp. Hơn nữa, hai người có thể có ý kiến rất khác nhau về tình trạng của mối quan hệ. Cũng có thể là thích ai đó nhưng vẫn sợ phải gắn bó với họ. Trong trường hợp này, một người có thể ngoại tình như cách trốn tránh cam kết, ngay cả khi họ thực sự muốn tiếp tục mối quan hệ.
Nhu cầu chưa được đáp ứng: Đôi khi, một hoặc cả hai nhu cầu về sự thân mật không được đáp ứng trong mối quan hệ. Nhiều người chọn giữ mối quan hệ, thường hy vọng mọi thứ sẽ được cải thiện, đặc biệt nếu mọi chuyện đang tốt đẹp. Tuy nhiên, những nhu cầu không được đáp ứng có thể dẫn đến sự thất vọng và xu hướng tìm kiếm ở nơi khác. Nhu cầu tình dục không được đáp ứng có thể xảy ra khi đôi bên có ham muốn tình dục khác nhau; một phía không thể quan hệ tình dục hoặc không có hứng thú với tình dục; một hoặc cả hai thường xuyên vắng nhà.
Ham muốn tình dục: Mong muốn quan hệ tình dục đơn giản có thể thúc đẩy một số người ngoại tình. Các yếu tố khác, bao gồm cơ hội hoặc nhu cầu tình dục không được đáp ứng, cũng có thể đóng vai trò trong sự không chung thủy do ham muốn thúc đẩy. Ngay cả những người có đời sống tình dục viên mãn vẫn có thể muốn quan hệ nhiều hơn với người khác. Điều này có thể là do ham muốn tình dục ở mức độ cao, không nhất thiết là bất kỳ vấn đề tình dục hoặc thân mật nào trong mối quan hệ.
Muốn thử cảm giác mới mẻ: Trong một mối quan hệ, mong muốn về sự đa dạng thường liên quan đến tình dục. Đó cũng có thể là các cuộc trò chuyện hoặc phong cách giao tiếp khác nhau; hoạt động phi tình dục khác nhau; thu hút người khác; mối quan hệ với người khác ngoài đối tác hiện tại.
Muốn nâng cao lòng tự trọng: Quan hệ tình dục với người mới có thể dẫn đến cảm giác tích cực. Một cá nhân có thể cảm thấy được trao quyền, hấp dẫn, tự tin hoặc thành công. Những cảm giác này có thể hình thành lòng tự trọng. Mặt khác, nhận được sự ngưỡng mộ và tán thành từ người mới có thể khác biệt và thú vị.
Hạ sách
TS Kelly Wise, nhà trị liệu tình dục người Mỹ, nhận định đôi khi, ngoại tình là “hạ sách” để thoát khỏi một mối quan hệ. Nó giống như một người chán việc nhưng không dám nghỉ nên cố tình đi làm muộn để bị đuổi.
“Nếu ngoại tình vì không hạnh phúc, hãy dừng lại và kết thúc mọi thứ. Điều tồi tệ nhất là khiến đối phương trải qua cảm xúc hỗn loạn và tổn thương họ bất cứ lúc nào. Thật không công bằng khi giam cầm ai đó trong mối quan hệ mà bản thân đang lén lút muốn thoát ra”, Wise nói.
Sau khi chấn chỉnh tinh thần và tìm ra lý do ngoại tình, một người nên thẳng thắn nói với đối phương đồng thời sẵn sàng lắng nghe.
Theo Wise, sự không chung thủy không nhất thiết phải là dấu chấm hết cho một mối quan hệ. Nếu từng lừa dối trong phút yếu lòng nhưng vẫn còn yêu nửa kia, hãy nhận lỗi chân thành và cố gắng sửa sai.
Nếu còn tình cảm, cả hai có thể vượt qua nhưng cần phải cho nhau nhiều thời gian và không gian để tha thứ.
Theo nhà trị liệu tình dục Vanessa Marin, điều quan trọng là cảm giác của người bị phản bội.
“Đôi khi nạn nhân bị đổ lỗi trong một vụ ngoại tình lại là người bị phản bội. Họ bị phán xét, buộc tội rằng họ không tốt, kém hấp dẫn hay gợi cảm”.
Ngoại tình từng khiến Gloria cảm thấy mình là kẻ xấu, điều mà cô không bao giờ mong đợi mình rơi vào. Tuy nhiên, đó lại là cơ hội để cô rút ra bài học quan trọng về bản thân và thay đổi cách tiếp cận các mối quan hệ trong tương lai.
“Tôi học được cách tin tưởng bản thân và kiên định hơn với các quyết định của mình. Tôi để đối phương lung lay chuyện chia tay và rồi đưa ra quyết định không đúng với lòng mình. Điều đó sẽ không xảy ra nữa”, cô nói.
Theo Zing