Phụ huynh cần hướng dẫn con vệ sinh đúng cách, uống đủ nước, dinh dưỡng hợp lý trong mùa nóng, nhất là khi bé nghỉ học kéo dài vì dịch Covid-19.
Nắng nóng kéo dài ở miền Nam những ngày qua khiến nhiều gia đình lo lắng, nhất là hộ có trẻ nhỏ. Nhiệt độ môi trường tăng cao, trẻ dễ đổ mổ hôi, dẫn đến cơ thể mất nước và chất điện giải. Khi không cung cấp đủ nước, chức năng chuyển hóa của cơ thể bị ảnh hưởng, trẻ dễ bị suy nhược, mệt mỏi, nặng hơn có thể ngất choáng. Thiếu chất điện giải, trẻ thường bị lừ đừ, nôn mửa, thậm chí co giật, rối loạn nhịp tim...
Hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, sức đề kháng còn yếu nên dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn khi nắng nóng hoặc độ ẩm không khí cao như: sốt xuất huyết, cúm, tay chân miệng... và một số bệnh về đường tiêu hóa như rối loạn đường ruột, chán ăn...
Từ đầu tháng 3, chị Lan Anh (TP Hồ Chí Minh) lần lượt đưa hai con (một bé 4 tuổi, một bé 6 tuổi) đi bệnh viện vì sốt cao, tay chân miệng. "Bác sĩ nói mùa nắng nóng trẻ dễ bệnh nên gia đình cần chú ý chăm sóc, vệ sinh và cho trẻ uống đủ nước, dinh dưỡng đầy đủ và theo dõi trẻ, nếu không để ý trẻ có thể sốt cao co giật rất nguy hiểm, khiến vợ chồng tôi lo lắng đến không ngủ được", chị kể. Nhiều phụ huynh khác cũng chung nỗi lo như chị Lan Anh khi nắng nóng không thuyên giảm.
Làm thế nào tăng sức đề kháng để bé chống lại bệnh tật, ăn ngon, tiêu hóa khỏe, thoải mái vui chơi và khám phá thế giới xung quanh... là nỗi lo của nhiều phụ huynh. Dưới đây là một số cách giúp trẻ thích nghi tốt mùa nóng.
Môi trường sống sạch, thoáng mát
Trong bối cảnh dịch Covid-19, cha mẹ cần bảo đảm môi trường sống trong lành, thông thoáng. Lau nhà liên tục bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn, sàn sạch sẽ giúp con thoải mái lăn lộn, vui đùa trong những ngày nghỉ học kéo dài. Cần dọn những nơi nước đọng, ngăn chặn sự phát triển của muỗi vằn - trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết, ngủ mùng, diệt loăng quăng...
Các vật dụng quen thuộc với trẻ, mặt bàn, ghế, tay nắm cửa hay đồ chơi... phải khử trùng thường xuyên. Cha mẹ cũng nên hướng dẫn trẻ phân biệt không gian sạch, bẩn, tránh xa chỗ dơ.
Vệ sinh cá nhân, chăm trẻ đúng cách
Rửa tay sạch được xem là "liều vaccine miễn phí" cho mọi đối tượng, bởi tác nhân gây bệnh nguy hiểm ở trẻ đa phần đến từ đôi bàn tay. Nhiều bé có thói quen chà tay lên mặt sau khi cầm, nắm vật bất kỳ hoặc bốc đồ dơ bỏ vào miệng. Để tránh vi khuẩn, virus có hại, phụ huynh nên hướng dẫn con vệ sinh cá nhân đầy đủ, rửa tay sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và vui chơi lấm bẩn.
Cần hình thành thói quen đeo khẩu trang, đội mũ, nón rộng vành cho con. Không để trẻ chơi đùa ngoài trời nắng quá lâu, tránh tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời trong thời gian từ 10 giờ đến 16 giờ do thời điểm này nhiều tia bức xạ nguy hại.
Nhỏ mắt, nhỏ mũi cho trẻ vài lần mỗi ngày bằng dung dịch nước muối loãng Natri Clorid 0,9% nhằm làm sạch mũi, mắt, bởi nguy cơ trẻ hít phải bụi bẩn, tiếp xúc chất gây ô nhiễm khá lớn.
Sử dụng quạt, điều hòa hợp lý
Tránh cho trẻ sử dụng máy lạnh kéo dài quá mức, bởi trên 4 tiếng và nhiệt độ phòng lạnh có thể khiến đường hô hấp bị khô, dễ bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính như viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản, viêm mũi xuất tiết... Trẻ bị sốt, ho, chảy nước mũi, nghẹt mũi, ăn uống kém làm sức khỏe càng bị sụt giảm.
Không nên để nhiệt độ quá thấp so với nhiệt độ bên ngoài, nên duy trì nhiệt độ trong phòng khoảng 26 - 28 độ C. Khi định ra ngoài phòng lạnh nên từ từ mở rộng cửa, đợi 2-3 phút sau mới ra khỏi phòng để cơ thể có thời gian thích nghi với không khí bên ngoài.
Tiêm phòng đầy đủ
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết: "Vaccine là một trong những công cụ quan trọng nhất của loài người để phòng tránh dịch bệnh". Do đó, để bảo vệ bảo vệ cộng đồng và giúp trẻ lớn lên khỏe mạnh, WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) khuyến cáo tỷ lệ tiêm vaccine phải đạt 95% số trẻ.
Hệ miễn dịch yếu khiến trẻ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng, tuy nhiên, trẻ phải được tiêm đủ liều. Cha mẹ nên chủ động tiêm các mũi vaccine phòng viêm màng não, phế cầu, bạch hầu, uốn ván, ho gà, sởi, rubella, bại liệt, quai bị, thủy đậu và bệnh dại... tại các điểm tiêm chủng.
Dinh dưỡng hợp lý
Ngoài khẩu phần ăn đủ 4 nhóm chất cần thiết bao gồm chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất mỗi ngày, phụ huynh nên tăng cường cấp nước cho trẻ, có thể nước lọc, nước giàu khoáng chất và vitamin như nước ép trái cây, cam tươi, dừa, rau má, nước mía... Các loại thức uống này có tác dụng vừa giúp giải nhiệt, chống rôm sẩy mùa hè cho trẻ còn giúp làm lành các vết thương nhanh chóng, tăng sức đề kháng tốt cho cơ thể. Phụ huynh nên nhắc nhở con uống đủ lượng nước cần thiết khi ở nhà và ở trường.
Bên cạnh đó, trẻ cần được cung cấp đủ sữa theo độ tuổi, ít nhất 500 ml mỗi ngày đối với trẻ trên một tuổi. Sữa cần thiết cho sự phát triển của bé, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, dễ hấp thu, giúp trẻ tăng cân, tăng chiều cao và góp phần tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng.
Theo VnExpress