Không khói thuốc, đầy đủ vận động, giấc ngủ ngon và chế độ ăn cân đối là chìa khóa cho hành trình nâng cao tuổi thọ, mà không phụ thuộc vào gene di truyền.
Khi tuổi thọ trung bình toàn cầu đang dần tăng lên, việc duy trì sức khỏe trở thành mối quan tâm hàng đầu. Nhiều người nỗ lực giảm bớt tuổi sinh học, số khác lại hướng đến y học cá nhân để ngăn chặn các rủi ro sức khỏe. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng gene và lối sống là hai yếu tố quyết định đến tuổi thọ. Tuy nhiên, công trình nghiên cứu được đăng tải trên tập san y khoa BMJ mới đây lần đầu đặt gene và lối sống lên bàn cân để so sánh tác động của chúng đến tuổi thọ.
Dựa trên dữ liệu của 353.742 người trưởng thành gốc châu Âu từ năm 2006 - 2010, nghiên cứu theo dõi sức khỏe của họ đến năm 2021. Nghiên cứu nhằm xác định xem gene hay lối sống có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đến tuổi thọ.
Các nhà nghiên cứu phân loại người tham gia dựa trên xu hướng gene và lối sống lành mạnh của họ. Những hành vi như không hút thuốc, tập thể dục thường xuyên, ăn uống cân đối, ngủ đủ giờ, duy trì hình thể cân đối và tiêu thụ rượu có chừng mực được coi là lối sống lành mạnh.
Kết quả cho thấy những người có lối sống không lành mạnh nguy cơ tử vong sớm cao hơn 78% so với những người sống lành mạnh, bất kể họ có gene liên quan đến tuổi thọ ngắn hay dài.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng dù có lối sống lành mạnh, những người mang gene tuổi thọ ngắn vẫn có nguy cơ tử vong sớm hơn 21% so với những người có gene tuổi thọ dài. Tuy nhiên, lối sống lành mạnh có thể giúp giảm bớt 62% ảnh hưởng của gene liên quan tuổi thọ ngắn.
Thực tế, áp dụng lối sống lành mạnh có thể giúp những người có gene tuổi thọ ngắn sống thêm được 5,22 năm so với những người không chú trọng đến lối sống của mình.
Tiến sĩ Liz Williams, chuyên gia dinh dưỡng và thành viên của Viện Tuổi thọ Khỏe mạnh tại Đại học Sheffield, Anh, bày tỏ không ngạc nhiên trước mối liên hệ giữa tuổi thọ, gene và lối sống được phát hiện trong nghiên cứu. Bà cho rằng không thể thay đổi gene, nhưng duy trì thói quen sống lành mạnh có thể giúp giảm thiểu tác động của chúng đến cuộc sống của chúng ta.
Một cuộc sống không khói thuốc, đầy đủ vận động, giấc ngủ ngon và chế độ ăn cân đối chính là chìa khóa cho tuổi thọ. Theo các nhà khoa học, bốn yếu tố này cùng nhau tạo nên một sự kết hợp lối sống tối ưu, giúp con người không chỉ sống lâu hơn mà còn dễ dàng duy trì được qua nhiều năm.
Nghiên cứu xác định rằng tập thể dục tiêu chuẩn theo khuyến nghị của Hiệp hội Tim mạch Mỹ là 150 phút hoạt động cường độ trung bình mỗi tuần như đi bộ, làm vườn, chơi tennis, hoặc 75 phút hoạt động cường độ cao như leo núi, bơi lội, công việc nặng nhọc. Chế độ ăn uống giàu trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và cá, giảm thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, được đánh giá là khỏe mạnh.
Duy trì chỉ số BMI trong khoảng 18,5 đến 30 và tiêu thụ rượu có chừng mực không được đưa vào "sự kết hợp lối sống lý tưởng" của Hiệp hội Tim mạch Mỹ. Tuy nhiên, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, béo phì là nguyên nhân gây ra các bệnh lý hàng đầu dẫn đến tử vong, và uống rượu quá mức có thể làm giảm tuổi thọ trung bình đến 24 năm.
Tiến sĩ Williams khuyến nghị việc kiểm soát lượng rượu tiêu thụ và duy trì hình thể cân đối "vẫn rất quan trọng" cho sống thọ. Nghiên cứu này chỉ mang tính chất quan sát, tức là các nhà nghiên cứu không thể khẳng định chắc chắn rằng những thay đổi về lối sống thực sự kéo dài tuổi thọ. Ngoài ra, nghiên cứu chỉ được tiến hành trên người có nguồn gốc châu Âu, kết quả có thể không hoàn toàn áp dụng được cho các nhóm dân tộc khác.
TN (theo VnE)