Lao động - Việc làm

Bí quyết thành công của “trọng tài” công nhân

MINH NGUYÊN 01/05/2024 13:00

Lắng nghe để chia sẻ nhiều hơn với công nhân, giúp cho mối quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động ngày càng tốt đẹp hơn là bí quyết thành công của những thủ lĩnh công đoàn, hòa giải viên lao động ở Hải Dương mà nhiều người quen gọi là “trọng tài” công nhân.

00:00

img_0502.jpg
Anh Nguyễn Hoàng Lân, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam (giữa) luôn đồng hành cùng người lao động

Nhiều chế độ được thực hiện

Cuối tháng 4, thời tiết bắt đầu chuyển sang nắng nóng nhưng nhiều công nhân Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam ở xa không hề thấy mệt mỏi vì đã có xe đưa, đón tận nơi. Việc này mới được thực hiện từ năm 2023, trước đó công nhân vẫn tự túc phương tiện đi làm. Đó là kết quả sau cuộc đối thoại giữa công nhân với người sử dụng lao động. Còn người tổ chức những cuộc đối thoại ấy chính là Ban Chấp hành công đoàn công ty. Trong cuộc đối thoại này, khoảng 1.000 công nhân mong muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp nhưng ngày càng nhiều tuổi, đi lại không an toàn như trước, đề nghị doanh nghiệp hỗ trợ xe đưa đón. Trước nhu cầu ấy, doanh nghiệp đã đầu tư hàng tỷ đồng bố trí hơn 20 xe đưa đón công nhân miễn phí ở các huyện xa. Doanh nghiệp đang khảo sát các tuyến ở TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Ninh Giang, nếu công nhân có nhu cầu sẽ tiếp tục hỗ trợ.

Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam hiện có hơn 11.000 công nhân, lao động. Tại đây, giữa cán bộ công đoàn và công nhân không có nhiều khoảng cách. Việc trao đổi công việc, kiến nghị, đề xuất diễn ra hằng ngày trong quá trình làm việc, cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Bên cạnh những chủ tịch công đoàn cơ sở, còn có các hòa giải viên lao động. Đây là những người làm việc tại các Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động cấp trên trực tiếp cơ sở tham gia hòa giải những vụ việc do người lao động có đơn đề xuất hòa giải. Dịp gần Tết Giáp Thìn vừa qua, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Kim Thành nhận được đơn của người lao động về Công ty TNHH Leo Industries Far East Việt Nam ở xã Tuấn Việt dừng hoạt động. Người lao động rất hoang mang vì gần Tết mà không có việc làm, lo lắng về mức lương, thưởng của doanh nghiệp. Các hòa giải viên đã vào cuộc tuyên truyền chế độ, chính sách, pháp luật cho cả doanh nghiệp và người lao động. Nhờ đó, quyền lợi chính đáng của công nhân được bảo đảm. Doanh nghiệp đã thực hiện đúng, đủ các quy định, thỏa thuận trước khi dừng hoạt động.

Cũng trong tháng 1/2024, các hòa giải viên lao động của huyện Kim Thành hòa giải thành công mâu thuẫn nhỏ giữa người lao động và chủ sử dụng lao động Công ty TNHH Fantastic Internationnal (khu công nghiệp Phú Thái) về tiền thưởng Tết Giáp Thìn. Từ mức chi thưởng Tết cho mỗi công nhân 3,2 triệu đồng đã được doanh nghiệp tăng lên 4 triệu đồng. Ông Phạm Văn Liêm, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Kim Thành cho biết: “Mỗi lần hòa giải thành là anh em đều thở phào nhẹ nhõm. Mỗi hòa giải viên phải tự bồi dưỡng những kỹ năng mềm để khi hòa giải đạt kết quả cao”.

Nhiều năm trở lại đây, nhờ có “bên thứ ba” mà mối quan hệ giữa lao động và chủ doanh nghiệp đã tốt dần lên, ít xảy ra dừng việc tập thể, tranh chấp trong quá trình sản xuất. Từ lắng nghe, chia sẻ, động viên đến cùng quan điểm tạo ra môi trường hài hòa, đôi bên cùng có lợi, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh tế.

Dạn dày kinh nghiệm

346645438_196753919909906_1428864825075029498_n.jpg
"Trọng tài" công nhân thường là cầu nối và giải quyết những bất hòa trong lao động sản xuất. Trong ảnh: Công nhân bày tỏ nguyện vọng qua một cuộc đối thoại (ảnh tư liệu)

Tuy là cán bộ công đoàn kiêm nhiệm nhưng thủ lĩnh công đoàn không ngại “vác tù và” với mong muốn mang những điều tốt đẹp đến người lao động. Anh Nguyễn Hoàng Lân, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam cho biết muốn doanh nghiệp phát triển thì công nhân phải ổn định. Ngay từ khi thành lập (2005), Công đoàn công ty đã đề cao sức mạnh tập thể, nâng cao vai trò của mỗi thành viên Ban chấp hành. Làm cán bộ công đoàn cần biết lắng nghe và thấu hiểu, đặt mình vào vị trí người lao động, chủ sử dụng lao động sẽ tìm ra cách giải quyết hợp lý, hài hòa. Mỗi chương trình, hoạt động trước khi diễn ra, công đoàn thường lấy ý kiến của người lao động để tổ chức cho đúng, trúng tâm ý, nguyện vọng. Khâu tổ chức được thực hiện chuyên nghiệp, bài bản, thể hiện sự trân trọng của tổ chức công đoàn dành cho người lao động.

Còn theo Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hải Dương Trương Văn Lừng, trước một sự việc, hòa giải viên phải hiểu cặn kẽ, làm việc với các bên liên quan để nắm bắt tâm tư, khúc mắc của từng người. Những vụ việc hòa giải thường mất khá nhiều thời gian, có vụ một tháng giải quyết xong, nhưng cũng có vụ kéo dài từ 3-4 tháng. Các vụ việc hòa giải chủ yếu là mâu thuẫn về các khoản tiền lương, thưởng và các chế độ, chính sách giữa doanh nghiệp, công nhân. Trong đó có người hiểu quy định của pháp luật nhưng cũng có người không hiểu. Trách nhiệm của hòa giải viên là phải kiên trì giải thích, tuyên truyền.

Để gắn kết người lao động cũng như tạo mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau trong doanh nghiệp, cán bộ công đoàn và những hòa giải viên phải là những người có uy tín, tận tâm, có kỹ năng thương lượng, đối thoại và thuyết phục hiệu quả. Họ không chỉ là cầu nối mà còn là chỗ dựa tin cậy cho người lao động, chủ doanh nghiệp.

MINH NGUYÊN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bí quyết thành công của “trọng tài” công nhân