Thờ ơ, vô cảm là bệnh chưa từng có trong y khoa nhưng vẫn tồn tại trong đời sống.
Buổi chiều, khi lái xe trên đường ven chân đê sông Thái Bình đoạn TP Hải Dương, tôi thấy một phụ nữ nằm gục trên lề đường, chiếc xe máy tay ga dựng bên cạnh.
Tôi thận trọng tiến lại và khẽ gọi, chị cho biết bị chóng mặt, rồi lại gục xuống. Tôi lấy chiếc điện thoại đen trắng rơi ra từ túi áo của chị để vào danh sách các cuộc gọi gần nhất, thấy ghi tên "Ông xã" và gọi đến số đó. Chừng 10 phút, người chồng đi xe máy đến và cho biết vợ bị tiền đình, thường xuyên bị thế này. Tôi bảo anh dìu vợ vào trong xe để tránh gió, gọi người nhà đến đem 2 chiếc xe máy về. Tôi sẽ chở hai vợ chồng đi bệnh viện. Rất may một lúc sau người phụ nữ tỉnh lại và cho biết có thể ngồi sau xe để chồng chở về...
Khi tôi phát hiện thì người phụ nữ đó đã bị kiến đen bu đầy mặt, nghĩa là có thể chị đã nằm đó khá lâu. Khi đó là buổi chiều, rất đông người tập thể dục, người đi xe qua, song không ai quan tâm. Chỉ khi thấy tôi dừng lại thì một số người mới tiến đến chất vấn có phải do tôi gây tai nạn không? Đám đông hiếu kỳ bắt đầu đông hơn, song tuyệt nhiên không ai nói cần gọi xe cấp cứu, tìm người nhà cho chị, mà chủ yếu chỉ xoay quanh câu hỏi trên. Một số người khác ngồi trên xe ở xa nhìn vào, dùng điện thoại quay phim, chụp ảnh...
Trước đây vài năm, tôi cũng chở một nữ công nhân bị tai nạn giao thông trên cầu Phú Lương về bệnh viện và cũng gặp chuyện tương tự. Đó là một thực trạng đáng buồn, đáng lo ngại, nhưng đang tồn tại.
Thờ ơ, vô cảm là bệnh chưa từng có trong y khoa nhưng vẫn tồn tại trong đời sống. Ở câu chuyện trên, tôi thấy có cả sự nhẫn tâm trong đó. Có người lý giải, khi thấy người gặp nạn, nhiều người không dám giúp vì lo ngại "đầu không phải, phải tai", sợ liên lụy... Song đây chỉ là cách chống chế không thuyết phục. Thực tế điều này đã từng xảy ra, nhưng rất hãn hữu. Và để tránh sự hiểu lầm đáng tiếc, khi giúp đỡ người bị nạn, cũng cần có kỹ năng. Ví dụ khả năng bơi lội kém thì không nên nhảy xuống sông cứu người đuối nước, mà nên tìm sự giúp đỡ khác. Với trường hợp trên, để tránh phiền hà, tôi đã quay video, chụp ảnh lại để làm bằng chứng từ xa rồi mới xuống xe...
Thờ ơ, vô cảm, tàn nhẫn là một trạng thái tâm lý mà ở đó chủ thể không có cảm xúc, thờ ơ trước nỗi đau của người khác. Những người này được cho là ích kỷ, chỉ biết lo đến lợi ích bản thân mà không quan tâm đến người xung quanh, kể cả người cần sự trợ giúp.
Tháng 6/2019, câu chuyện một cô gái trẻ bị tai nạn giao thông ở TP Hồ Chí Minh, nằm bất động trên vỉa hè nhưng không ai giúp đã gây bức xúc, bàng hoàng về sự vô cảm. Theo một đoạn clip, trong khoảng 11 phút có 5 ô tô con, 1 chiếc xe tải, hơn 30 chiếc xe máy, 1 chiếc xe đạp đi qua vị trí cô gái trẻ nằm bất động nhưng không một ai giúp đỡ. Cô gái sau đó đã tử vong.
Pháp luật đã quy định rõ về các hành vi "Không cứu giúp người bị tai nạn giao thông", "Không cứu giúp người đang ở tình trạng nguy hiểm"... Tháng 8/2023, một bị cáo ở tỉnh Sóc Trăng đã bị xử phạt 2 năm tù về tội "Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng". Cụ thể, người này gặp vụ tai nạn giao thông nhưng không cứu giúp dẫn đến nạn nhân tử vong.
Xử lý hình sự với các hành vi thờ ơ, vô cảm là biện pháp cuối cùng, bắt buộc, không ai mong muốn. Thế nhưng dù đã phải sử dụng biện pháp cuối cùng này, căn bệnh thờ ơ, vô cảm vẫn như một loại virus độc lan rộng.
Theo các nhà nghiên cứu, thờ ơ, vô cảm bắt nguồn từ lối sống ích kỷ, thực dụng, hưởng thụ, những xúc cảm đạo đức bị hạn chế, thậm chí bị triệt tiêu. Căn bệnh này thể hiện ở chỗ có những người không hề động lòng trước những nỗi đau của người khác, không hề phẫn nộ trước những tệ nạn xã hội xảy ra trước mắt...
Hãy thử trao đi thật nhiều sự quan tâm, chia sẻ để biết đâu chúng ta được nhận lại. Và hãy đặt mình vào vị trí những người không may gặp hoạn nạn sẽ thấy cần biết bao nhiêu sự giúp đỡ kịp thời.