Đến ngày 15.8, tình hình sức khỏe bé trai 3 tuổi nghi bị bạo hành, cho vào tủ cấp đông đã ổn định, nhưng vẫn còn kích thích, lo sợ.
Theo cập nhật thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, đến ngày 15.8, sau 1 ngày nhập viện cấp cứu, cháu N.H.Đ (SN 2019) là em bé nghi bị bạo hành, cho vào tủ cấp đông đã ổn định sức khỏe hơn, các tổn thương không còn nguy hiểm đến tính mạng.
Các bác sĩ cũng cho biết, cháu bé vẫn còn các biểu hiện quấy khóc, lo sợ khi có người lạ tiếp xúc và ăn uống còn kém.
Dựa trên những kết quả thăm khám, đánh giá toàn diện về thể chất và tinh thần, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã giải thích với bố mẹ của về tình trạng của trẻ.
Chiều 15.8, sau khi được sự thống nhất của gia đình, cháu được ra viện.
Các bác sĩ cũng lưu ý thêm với gia đình cho trẻ nghỉ ngơi, hạn chế tiếp xúc người lạ; bố mẹ nên thường xuyên ở bên cạnh con động viên, tạo niềm vui và cảm giác an toàn cho trẻ, để giảm tối đa các hoảng loạn, tổn thương về tinh thần.
Trước đó, đêm 13.8, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận cháu N.H.Đ (sinh năm 2019) nhập viện cấp cứu trong tình trạng sưng nề vùng đầu mặt, xuất huyết toàn bộ vùng mặt, nhiều vết xây xước ở cổ, nghi ngờ có dấu hiệu bị bạo hành. Khoảng 22 giờ đêm 13.8, cháu bé được chuyển từ Bệnh viện Sản Nhi Hà Nam đến Khoa Cấp cứu và Chống độc - Bệnh viện Nhi Trung ương.
Qua thăm khám, các bác sĩ thấy trẻ bị sưng nề, bầm tím vùng đầu mặt; sưng nề, nhiều vết xây xước ở cổ, kèm theo xuất huyết dưới da toàn bộ vùng mặt. Trẻ kích thích, đau nhiều khi thăm khám, không thấy các vết bầm tím ở các vị trí khác, chân tay trẻ cử động bình thường. Về tinh thần, trẻ hoảng hốt, sợ hãi, quấy khóc nhiều khi tiếp xúc với người lạ.
Tại Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ đã thăm khám toàn diện cho trẻ và chỉ định chụp cắt lớp vi tính sọ não, chụp cộng hưởng từ cột sống cổ, X-quang tim phổi và siêu âm bụng. Đồng thời, Bệnh viện cũng tổ chức hội chẩn các chuyên khoa chấn thương, ngoại thần kinh. Kết quả cận lâm sàng cho thấy, bệnh nhi không có tổn thương nghiêm trọng. Ngoài ra, các xét nghiệm cơ bản cũng trong giới hạn bình thường.
Cháu N.H.Đ được truyền dịch và sử dụng giảm đau, an thần (trẻ ăn uống khó khăn, đêm ngủ không yên giấc). Sau khi trẻ ổn định và được các bác sĩ đánh giá không có tổn thương ảnh hưởng đến chức năng sống, trẻ được chuyển đến Khoa Sức khỏe vị thành niên – Bệnh viện Nhi Trung ương để theo dõi thêm.
Theo báo Tin tức