Y tế - Sức khỏe

Hải Dương phòng bệnh bạch hầu nguy hiểm sau khi Bắc Giang có ca dương tính

TIẾN MẠNH 09/07/2024 13:34

Hải Dương đang chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh bạch hầu sau khi tỉnh Bắc Giang ghi nhận 1 ca dương tính - là một trong 2 người đã tiếp xúc gần với trường hợp tử vong do bệnh này tại tỉnh Nghệ An cách đây ít ngày.

img_1201.jpg
Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất phòng bệnh bạch hầu. Trong ảnh: Nhân viên Trung tâm Tiêm chủng vaccine và tư vấn dinh dưỡng Đức Minh cơ sở 1 (TP Hải Dương) tiêm vaccine "6 trong 1" cho một trẻ trong độ tuổi

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, đến sáng 9/7, Hải Dương chưa ghi nhận trường hợp nào trong tỉnh có tiếp xúc với những bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu ở Nghệ An và Bắc Giang. Tuy nhiên, các biện pháp phòng bệnh không vì thế mà chủ quan.

Sáng cùng ngày, CDC Hải Dương đã yêu cầu các bộ phận chuyên môn phối hợp với các cơ sở y tế trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền phòng bệnh bạch hầu trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội... để nhân dân nhận biết, chủ động phòng ngừa. Tiếp tục triển khai tốt chương trình tiêm chủng mở rộng. Tăng cường công tác giám sát, lấy mẫu những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại các cơ sở y tế trong tỉnh để cách ly, điều trị từ sớm, từ xa. Xây dựng phương án xử trí tình huống nếu trong tỉnh xuất hiện ca bệnh...

Lãnh đạo CDC Hải Dương khuyến cáo bạch hầu là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, rất nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. May mắn là bệnh này có vaccine phòng ngừa và có thuốc để điều trị. Người dân không nên quá lo lắng, hoang mang nhưng cũng không được phép chủ quan và nhầm lẫn bạch hầu với các bệnh hô hấp khác.

Khi có dấu hiệu bị sốt, đau họng, trong họng xuất hiện giả mạc màu trắng, bám dính, bóc ra chảy máu... thì người dân cần đến ngay cơ sở y tế để khám, điều trị. Việc tự ý mua thuốc điều trị tại nhà không có tác dụng với người mắc bệnh bạch hầu vì thuốc kháng sinh không thể khắc chế được độc tố do vi khuẩn gây bệnh bạch hầu sản sinh trong cơ thể. Người dân cần hạn chế tiếp xúc với những người bị ốm, nghi ngờ mắc bệnh, thực hiện đầy đủ khuyến cáo của ngành y tế.

Gần 20 năm nay, Hải Dương chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bạch hầu. Kết quả này có được chủ yếu do công tác tiêm chủng mở rộng đem lại. Do đó, biện pháp phòng bệnh bạch hầu tốt nhất là tiêm vaccine.

Hiện nay, vaccine phòng bệnh bạch hầu trẻ từ 2 đến dưới 24 tháng tuổi được tích hợp trong vaccine "5 trong 1" có trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Trẻ trong độ tuổi này được tiêm miễn phí 4 mũi tại trạm y tế tuyến xã và nguồn vaccine phong phú. Vaccine "6 trong 1" có tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ cũng có thành phần phòng chống bệnh này nhưng phải trả phí.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trẻ em từ 2 tháng đến dưới 24 tháng tuổi sau khi đã tiêm đủ 4 mũi tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc tiêm chủng dịch vụ thì sẽ tiêm nhắc lại 1 mũi lúc lên 7 tuổi bằng vaccine Td. Theo hướng dẫn của nhà sản xuất, sau khi tiêm mũi này thì cứ 10 năm sau mới phải tiêm nhắc lại. Hiện nay, vaccine loại này có nhiều tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ ở Hải Dương, giá chỉ 95.000 đồng/mũi. Dự kiến từ năm 2025, vaccine Td sẽ được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng và không mất phí.

Tại nhiều cơ sở tiêm chủng dịch vụ ở TP Hải Dương đang lưu hành một số loại vaccine phòng bệnh bạch hầu dành cho cả trẻ em và người lớn. Phổ biến nhất là các vaccine: Traxim do Pháp sản xuất, tiêm cho trẻ từ 3 tháng tuổi đến 13 tuổi, tiêm 5 mũi cơ bản, nhắc lại sau 10 năm; Adacel do Mỹ sản xuất, tiêm cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn đến 64 tuổi, tiêm 3 mũi cơ bản, nhắc lại sau 10 năm; Boostrix do Bỉ sản xuất (áp dụng cho nhóm đối tượng tương tự như vaccine Adacel)... Giá những loại vaccine này không quá đắt, dao động từ 300.000-700.000 đồng/mũi.

TIẾN MẠNH
(0) Bình luận
Hải Dương phòng bệnh bạch hầu nguy hiểm sau khi Bắc Giang có ca dương tính
ss