Báo chí và chuyển đổi số: Bài 2: Nhiều thách thức trong chuyển đổi số

20/06/2021 12:21

Sự phát triển công nghệ truyền thông mới, đặc biệt là sức ép cạnh tranh thông tin từ truyền thông xã hội vừa tạo ra thách thức, vừa tạo cơ hội cho những người làm báo Việt Nam.

>>>Bài 1: Chuyển đổi số tạo ra một thời đại thông tin tăng tốc


Nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus

Không nằm ngoài xu thế hội nhập, báo chí đang đứng trước cơ hội rất lớn nhưng đồng thời cũng phải đối diện với thách thức gay gắt trong thời đại truyền thông kỹ thuật số.

Sự phát triển công nghệ truyền thông mới, đặc biệt là sức ép cạnh tranh thông tin từ truyền thông xã hội vừa tạo ra thách thức, vừa tạo cơ hội cho những người làm báo Việt Nam.

Cạnh tranh với các loại hình truyền thông mới

Nhận định về mặt thuận lợi của báo chí trong chuyển đổi số, ông Trần Tiến Duẩn, Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus cho rằng: Nhờ chuyển đổi số, báo điện tử đã nhanh chóng chứng tỏ được sức hút đối với công chúng, bằng khả năng chuyển tải thông tin tới bạn đọc gần như đồng thời với sự kiện cùng lượng thông tin đồ sộ, thậm chí không có sự giới hạn về dung lượng như báo in, thời lượng phát sóng như phát thanh hay truyền hình. Tận dụng những lợi thế về công nghệ số, một số cơ quan báo chí đã nhanh chân xây dựng được tòa soạn hội tụ đa phương tiện, với môi trường làm việc ngày càng hiện đại.

Bên cạnh đó, việc sản xuất nội dung báo chí chất lượng cao, sản phẩm dữ liệu lớn, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tạo ra các trải nghiệm có giá trị cho công chúng báo chí được thuận lợi. Những sản phẩm báo chí mới tạo nên tính tương tác hai chiều với độc giả, như phỏng vấn trực tuyến, tạo cảm giác gần gũi hơn giữa bạn đọc và báo. Công nghệ số cũng hỗ trợ nhà báo từ khâu thu thập thông tin, phân tích dữ liệu cho đến sản xuất nội dung và phát hành.


Nhà báo Trần Tiến Duẩn phát biểu tại một Diễn đàn báo chí

Tuy nhiên, ông Trần Tiến Duẩn cũng nhìn nhận việc chuyển đổi số cũng còn nhiều khó khăn. Đó là phương thức làm báo truyền thống không còn thu hút độc giả như trước đây, phần lớn bạn đọc đọc, nghe, xem qua các phương tiện số, cùng với sự lấn át của truyền thông xã hội; cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu, đội ngũ nhân lực, đặt biệt là các kỹ sư công nghệ chưa nhiều, trừ một số tòa soạn có đội ngũ công nghệ đứng sau. Bên cạnh đó, việc phát triển sản phẩm nội dung số, truyền thông số, quảng cáo số còn khó khăn, câu chuyện lợi nhuận quảng cáo về túi các ông lớn Google, Facebook... rồi vấn đề bảo đảm an ninh mạng, chống nạn tin giả; vi phạm bản quyền tràn lan hiện tượng "xào xáo" tin có xu hướng tăng.

Đặc biệt, nhiều cơ quan báo chí, nhất là báo ngành, báo địa phương gặp khó khăn trong việc xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ, cơ quan báo chí đa phương tiện. Ngoài ra, còn khó khăn trong đào tạo đội ngũ biên tập viên dữ liệu, có khả năng biến dữ liệu khô khan thành các sản phẩm đồ họa động, đồ họa tương tác, megastory hấp dẫn bạn đọc trên nền tảng đa phương tiện.

Ông Vũ Thế Cường, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng thách thức và khó khăn đầu tiên của các cơ quan báo chí phải kể đến đó là sự cạnh tranh rất khốc liệt của các loại hình truyền thông mới, trong đó có mạng xã hội.

Cạnh tranh ở đây là không chỉ trong việc đưa tin, còn liên quan đến doanh thu quảng cáo và kinh tế báo chí. Nguyên nhân là mạng xã hội hiện nay đáp ứng được nhu cầu cũng như thị hiếu của một bộ phận không nhỏ những độc giả của báo chí cũng như hiệu quả trong chiến lược quảng cáo của các doanh nghiệp, dẫn đến doanh thu quảng cáo của đại bộ phận các cơ quan báo chí Việt Nam bị giảm đi.

Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến xã hội nói chung, đặc biệt là hoạt động báo chí Việt Nam, bởi phóng viên đi tác nghiệp có thể đối mặt với những rủi ro của dịch bệnh. Khó khăn trong việc tác nghiệp, khó khăn trong việc thu thập thông tin dẫn đến một lần nữa báo chí lại "lép vế'' trước những thông tin trên mạng xã hội, bởi những thông tin trên mạng xã hội không cần đến kiểm chứng nên có thể đưa rất nhanh.

Là một ngành tiếp xúc sớm nhất, phản ứng nhanh nhất, báo chí vừa có trách nhiệm tuyên truyền cho chương trình chuyển đổi số, vừa là một trong những đối tượng thực hiện chương trình với những thuận lợi-thách thức đan xen. Nước ta có hơn 60 triệu người đang sử dụng mạng xã hội, cũng là những người có thể đăng tải thông tin cũng như tự chuyển đổi số để phục vụ đời sống, công việc của chính mình.

Báo chí chính thống dù đông đảo nhưng còn hạn chế bởi sự nhanh nhạy, cũng như tính định hướng nên trước thử thách này, báo chí cần có sự đổi mới toàn diện để phản ánh các thông tin một cách chính xác, có lý, có tình, góp phần định hướng dư luận, không bị động trước tốc độ của mạng xã hội.


Nhóm phóng viên tác nghiệp tại khu cách ly tập trung của tỉnh Đắk Nông

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho rằng, để sàng lọc được thông tin, người làm báo bên cạnh việc rèn kỹ năng khai thác sử dụng thành tựu khoa học-công nghệ, còn cần tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, nâng cao vốn sống, hiểu biết, vốn nghề, xác định tâm thế dấn thân.

Bên cạnh cập nhật kiến thức làm báo của thời đại công nghệ số, các nhà báo phải thường xuyên tự bồi đắp kiến thức, viết về lĩnh vực gì thì phải nắm chắc lĩnh vực đó. Một nhà báo không chỉ cần thành thạo kỹ năng viết tin, bài, chụp ảnh còn phải biết quay video clip về cùng một sự kiện, bảo đảm rằng sản phẩm của mình có thể được sử dụng cho cả báo in, báo điện tử, báo hình và phát thanh. Phương tiện tác nghiệp giờ không còn là cuốn sổ với cây bút hay máy tính xách tay. Thay vào đó, nhiều khi, nhà báo cần phải biết sử dụng chiếc điện thoại thông minh như một "tòa soạn thu nhỏ."

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ truyền thông, trong "cuộc đua" về thông tin, nhất là thông tin trên mạng xã hội với vô vàn tin giả, tin chưa được kiểm chứng thì báo chí truyền thống đang nắm giữ nhiều lợi thế, đặc biệt người đọc đang hướng tìm thông tin được kiểm chứng, toàn cảnh và có sự bình bình luận sắc sảo. Do đó cơ quan báo chí phải đi đầu và có trách nhiệm cung cấp thông tin nhanh nhạy, trung thực, chính xác, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.

Chuyển đổi số bắt đầu từ nhận thức của người đứng đầu

Nhận định về thực trạng chuyển đổi số trong báo chí tại Việt Nam hiện nay, ông Vũ Thế Cường, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng nhiều cơ quan báo chí đã thực hiện rất tốt việc chuyển đổi số. Điển hình như báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh (PLO) mới đây bị phong tỏa trong ba tiếng đồng hồ, buộc họ phải lập một văn phòng hoạt động dã chiến để hoạt động nhưng không phải vì thế mà hoạt động của báo bị ngưng trệ. Trong ba tiếng này, tờ báo vẫn bảo đảm thực hiện thông tin xuyên suốt.

Một số cơ quan báo chí khác như VietnamPlus, VnExpress, Tuổi trẻ... đã thể hiện được năng lực, khả năng trong chuyển đổi số, áp dụng kỹ thuật mới, nâng cao kỹ năng của phóng viên để từ đó nâng cao chất lượng chuyển đổi số nói chung, cũng như chất lượng nói riêng của báo chí.

Tuy nhiên, còn một số cơ quan báo chí chưa thực sự chuyển đổi số. Nguyên nhân của việc này là do bản thân lãnh đạo các cơ quan báo chí. Hiện nay có một số lãnh đạo cơ quan báo chí chưa nhận thấy vai trò của chuyển đổi số, chưa nhìn ra được lợi ích thực sự, chưa có tầm nhìn tương lai, dẫn đến chưa hiểu, chưa nắm rõ, chưa nhận thức rõ hoặc có thể nhận thức được nhưng lại cảm thấy lợi ích đó vẫn còn xa vời... Điều này dẫn đế một số lãnh đạo cơ quan báo chí chưa thực sự chú trọng. Đây là vấn đề chính dẫn đến việc chuyển đổi số của một số cơ quan báo chí Việt Nam còn khá chậm.

Thạc sỹ Trần Anh Tú, Trưởng ban Báo điện tử (Báo Đại đoàn kết) nhận định: Chuyển đổi số nói chung là thay thế các quy trình không số thành quy trình số. Chuyển đổi số là không có biên giới, chỉ tùy vào sức sáng tạo. Trong báo chí, rất nhiều quy trình hiện đang thay thế được bằng quy trình số hóa. Ví dụ sắp trang, là một phần trong quy trình sản xuất "hàng hóa'' của báo chí.

Trên báo điện tử 20 năm nay, người thư ký vẫn là người sắp tin này lên trên, tin kia xuống dưới. Một triệu độc giả nhìn thấy một giao diện giống nhau. Bây giờ máy có thể xếp trang, thậm chí máy, nhờ theo dõi dữ liệu, nắm được ''gu'' của từng độc giả để sắp trang sao cho tin tức mà độc giả đó yêu thích nhất lên đầu. Một triệu độc giả là một triệu cách xếp trang chủ báo điện tử khác nhau.

Ông Trần Anh Tú thẳng thắn: "Có một thực trạng khá đáng buồn là rất nhiều phần trong xã hội chúng ta đang hiểu ''chuyển đổi số'' là ''tin học hóa''. Tức là thay vì tự động hóa, biến toàn bộ quy trình thành số hóa, thì lại vẫn phải tốn sức người để... dùng công cụ số. Ví dụ, nếu một phóng viên đăng ký đi thực địa Lai Châu và chỉ trong vòng 5 giây, máy thông báo cho anh/chị ấy rằng tháng này các báo đã có 127 tin làm về Lai Châu, báo mình đã có 12 tin làm về Lai Châu, trong đó có 8 tin về trâu bò chết cóng, 3 tin về xây dựng hạ tầng... thì người phóng viên đó sẽ tự cân nhắc các đề tài anh ta tác nghiệp. Xin chúc mừng, đó là một tòa soạn chuyển đổi số thành công. Nhưng nếu một phóng viên đi đăng ký thực địa Lai Châu, mà anh ta viết mail xin phép, sau đó cái mail này được chuyển tiếp (bằng click chuột, tức là vẫn sức người) qua mấy cấp gồm cả kế toán lẫn thư ký tòa soạn, rồi thư ký viết lại: ''Tháng này các báo làm nhiều về Lai Châu lắm đấy em nhé, cân nhắc đề tài'', thì đó chỉ là ''tin học hóa'' thôi. Mọi thứ vẫn diễn ra trên môi trường số, nhưng bằng sức người. Không phải cứ dùng cái máy tính để làm việc thì gọi là ''chuyển đổi số''. Việc anh gõ bằng laptop đời mới thay vì gõ bằng máy chữ, chỉ là sử dụng công cụ số để làm việc. Ý nghĩa của từ ''chuyển đổi'' ở đây là thay thế hoàn toàn".


Ảnh: TTXVN

Cũng giống như nhiều ngành nghề khác, công cuộc chuyển đổi số của báo chí không đơn giản là đưa lên mạng internet một cách thuần vật lý, cơ học mà phải được thực hiện ở các hoạt động mang tính cốt lõi. Đó là những biến đổi đã, đang và tiếp tục diễn ra tại các tòa soạn và lĩnh vực báo chí-truyền thông là không có biên giới... Đây là tất yếu khách quan, là quá trình không thể đảo ngược, cần thực hiện ngay nếu không muốn bị tụt hậu.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Chuyển đổi số là sự phát triển tiếp theo của công nghệ thông tin với sự xuất hiện một số công nghệ mang tính đột phá của cách mạng công nghệ 4.0. Công nghệ thông tin là nói đến phần mềm, máy tính, thường là riêng lẻ, tự động hóa những việc đang được làm một cách thủ công. Chuyển đổi số là nói đến các công nghệ mới của cách mạng công nghệ 4.0 như: trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, Internet vạn vật... Người dùng đóng vai trò quan trọng hơn là người sáng tạo ra công nghệ gốc, vì vậy, câu chuyện chính của cách mạng công nghệ 4.0, của chuyển đổi số là có muốn hay không, có dám hay không chứ không phải có khả năng hay không. Trước hết, phải bắt đầu từ nhận thức, quyết tâm của người đứng đầu trong việc dẫn dắt chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, để các cơ quan báo chí vừa làm tốt nhiệm vụ chính trị, tồn tại, phát triển vừa bắt kịp xu thế vận động, phát triển của thời đại công nghệ, chuyển đổi số thành công cần phải có công nghệ, có giải pháp, có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, các nhà mạng viễn thông và quan trọng nhất là sự đồng thuận, liên kết của các cơ quan báo chí. Sự liên kết này tạo ra sức mạnh, giúp cho các cơ quan báo chí tồn tại, phát triển phù hợp với xu thế phát triển chung của báo chí khu vực và thế giới.

Theo TTXVN


-----------------------------

Bài 3: Khai thác tối đa công nghệ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng

(0) Bình luận
Báo chí và chuyển đổi số: Bài 2: Nhiều thách thức trong chuyển đổi số