Trung ương chọn Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

20/06/2022 11:18

Ngày 5.2.1985, Ban Bí thư ra quyết định lấy ngày 21.6 làm Ngày Báo chí Việt Nam nhằm kỷ niệm, tri ân các nhà báo đã cống hiến trí tuệ, nhiệt thành để độc giả có những bài báo hay sự kiện nóng hổi, chân thật...



Các tờ báo đưa tin về Ngày Báo chí Việt Nam

Câu chuyện về nguồn gốc Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam ra đời từ việc báo Nhân Dân kỷ niệm 30 năm ra số đầu tiên (11.3.1951 - 11.3.1981). Báo tổ chức Phòng Truyền thống nhưng những người thực hiện bấy giờ băn khoăn trong bục chính kê giữa Phòng Truyền thống, nơi đặt tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta, nên chọn báo Le Paria hay báo Thanh Niên, cả hai tờ đều do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và điều hành.

Lãnh đạo Báo Nhân Dân quyết định chọn tờ Thanh Niên với lý do báo Le Paria viết bằng tiếng Pháp xuất bản công khai tại Paris, số đầu tiên in năm 1921, in typo trên giấy khổ rộng, trang trọng không kém các tờ báo Pháp khác hồi bấy giờ. Báo Le Paria có tôn chỉ kêu gọi nhân dân các nước thuộc địa của Pháp đứng lên lật đổ ách thống trị của nước ngoài, giành độc lập, tự do cho đất nước mình. Với tôn chỉ ấy, tờ báo chưa thể bàn sâu về đường lối cách mạng Việt Nam. Báo Thanh Niên in tại Trung Quốc, khổ nhỏ, chữ viết tay, in qua bản đá, chủ yếu đưa về bí mật lưu hành trong nước, ra số đầu tiên ngày 21.6.1925, là cơ quan ngôn luận của tổ chức “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội”. Báo Thanh Niên khai sáng dòng báo chí cách mạng, đưa chủ nghĩa yêu nước vào trong nhân dân Việt Nam, nhất là thanh niên theo xu hướng cách mạng vô sản. Từ đây, báo chí Việt Nam giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Báo Thanh Niên có vai trò hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền, chuẩn bị về tư tưởng, lý luận và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản đầu năm 1930.

Sau đó, một hội thảo khoa học bàn về việc nên chọn báo nào là tờ báo đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam, từ đó lấy ngày xuất bản số đầu của báo ấy làm Ngày Báo chí Việt Nam. Hội thảo do nhà báo Hoàng Tùng chủ trì, đi đến thống nhất: Lấy ngày 21.6.1925, ngày ra số đầu báo Thanh Niên làm Ngày Báo chí Việt Nam (nay là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam) chung cho cả nước. 

Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam xin phép Ban Bí thư Trung ương dùng ngày 21.6 làm Ngày Báo chí Việt Nam và hằng năm đến dịp sẽ có nhiều hoạt động xã hội về nghề báo. Thời gian này, đồng chí Trường Chinh đảm nhận trọng trách Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (Chủ tịch nước), không tham gia Ban Bí thư nhưng được Bộ Chính trị phân công phụ trách chỉ đạo ngành văn hóa, tư tưởng. Ban Bí thư đã bàn bạc kỹ lưỡng, đã đề nghị đồng chí Trường Chinh tham gia ý kiến.

Ngày 5.2.1985, Ban Bí thư ra Quyết định số 52 lấy ngày 21.6 làm Ngày Báo chí Việt Nam nhằm kỷ niệm, tri ân các nhà báo đã cống hiến trí tuệ, nhiệt thành để độc giả có những bài báo hay sự kiện nóng hổi, chân thật.


Báo Thanh Niên là tờ báo cách mạng đầu tiên

Quyết định nêu: “Ngày 21.6.1925, báo Thanh Niên, do Hồ Chủ tịch sáng lập ra số đầu tiên. Từ đây, báo chí cách mạng Việt Nam ra đời. Để ghi nhớ công ơn của Hồ Chủ tịch sáng lập báo chí cách mạng, phát huy truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng, nêu cao vai trò của báo chí trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta hiện nay, Ban Bí thư đồng ý hàng năm đến ngày 21-6 thì tổ chức Ngày Báo chí Việt Nam”. 

Quyết định của Ban Bí thư chỉ rõ: “Ngày Báo chí Việt Nam là dịp để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, đề cao vai trò của báo chí trong xã hội, nêu cao trách nhiệm của các nhà báo, tăng cường quan hệ giữa báo chí và bạn đọc… Thông qua Ngày Báo chí Việt nam, các nhà báo cùng toàn Đảng, toàn dân đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển của báo chí, khiến cho báo chí có thể phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”.

Quyết định được sự nhất trí cao của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Hội Nhà báo và báo giới nước ta.

Ngày 21.6.1985, lần đầu tiên giới báo chí cả nước tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Báo chí Việt Nam và kỷ niệm 60 năm báo Thanh Niên xuất bản số đầu tiên. Ngày 20.6.1985, đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, gửi thư chúc mừng đến toàn thể các nhà báo Việt Nam. Báo Nhân Dân số ra ngày 21.6.1985 đưa tin trang trọng về bức thư của đồng chí Trường Chinh và cuộc mít tinh trọng thể do Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức nhân Ngày Báo chí Việt Nam đầu tiên ở nước ta. Trong buổi lễ, đồng chí Hoàng Tùng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đã biểu dương sự đóng góp, tinh thần hy sinh của nhiều nhà báo trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng Tổ quốc.

Ngày 21.6.2000, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý gọi Ngày Báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

PGS.TS PHẠM THỊ THANH TỊNH
Học viện Báo chí và Tuyên truyền

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trung ương chọn Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam
    ss