Thời gian trôi qua nhanh như một giấc ngủ trưa, thấm thoắt đã hết nửa học kỳ nhưng tôi vẫn nhớ như in buổi đầu tiên đến nhận lớp của năm học mới.
Hôm ấy, chúng tôi đang trong tâm trạng vui vẻ vì được gặp lại thầy, gặp lại bạn sau kỳ nghỉ hè dài thì thầy giáo chủ nhiệm bước vào lớp, dẫn theo một học sinh và giới thiệu đây là thành viên mới của lớp. Các bạn mắt chữ O, mồm chữ A, nhớn nhác nhìn nhau còn tôi thì như bị dội một gáo nước lạnh bởi người ấy không ai khác chính là anh Mạnh. Dù không nói ra, nhưng tôi hiểu cảm giác lo lắng đang nhen lên trong lòng mỗi thành viên của lớp. Không phải chúng tôi ghét bỏ gì anh Mạnh mà là vì chúng tôi sợ sẽ ảnh hưởng tới thành tích cũng như nền nếp học tập của lớp sắp tới.
Anh Mạnh lẽ ra năm nay đã lên lớp trên nhưng vì quá nghịch ngợm, hay đánh nhau, hay vi phạm nội quy nhà trường, có tiếng ngỗ ngược, không nghe lời thầy cô... nên bị lưu ban. Chúng tôi còn nghe nói anh Mạnh hay đi bắt nạt, trêu chọc những học sinh nhỏ tuổi hơn nên rất sợ. "Trước anh Mạnh đã nghịch thế rồi, năm nay vào lớp mình, anh ấy không thay đổi mà vẫn tiếp tục như thế thì phải làm sao đây?", tôi lo lắng suy nghĩ. Nhưng vì không muốn không khí của buổi đầu tiên gặp lại nhau trở nên căng thẳng, làm thầy không vui, chúng tôi cố gắng tỏ như không có chuyện gì. Chúng tôi đến nói chuyện, hỏi thăm sức khỏe của thầy, dù tất cả cười đùa trở lại nhưng không khí gắng gượng vẫn hiện rõ.
Hôm sau cũng là ngày đầu tiên của năm học mới, chúng tôi có phần hơi bất ngờ khi thấy anh Mạnh rất nghiêm túc trong giờ học, không nói chuyện riêng, chăm chỉ nghe thầy, cô giáo giảng bài. Các bạn thỉnh thoảng nhìn anh với ánh mắt ngạc nhiên, nhưng do chú ý học nên anh Mạnh cũng không biết mọi người đang nhìn đến mình. Cho đến khi cô giáo nhắc tên và khen: "Bạn Mạnh năm nay có tiến bộ. Cô rất vui vì em đã thấy được cái sai của mình để khắc phục. Em hãy cố gắng phát huy nhé!”. Lúc này anh Mạnh mới ngẩng lên và biết tất cả lớp đang chú ý đến mình, anh dõng dạc: "Em cảm ơn cô! Cảm ơn tất cả các bạn, em sẽ tiếp tục phát huy ạ!”. Cô giáo vui vẻ gật đầu, chúng tôi tiếp tục bài học.
Giờ ra chơi, anh Mạnh chủ động tiến lại chỗ chúng tôi đang ngồi túm tụm nói chuyện. Lúc này chúng tôi vẫn còn sợ anh, nên khi thấy anh có ý định đi đến gần, chúng tôi đã vội vàng bấm nhau thì thào: "Ê các cậu ơi! Sao anh Mạnh lại đi đến chỗ bọn mình làm gì đấy nhỉ? Hay là do chúng mình nói chuyện to quá làm ảnh hưởng đến anh ấy? Chùi ui, chuẩn bị ăn quát hay bị tẩn đây?". Chưa kịp có câu trả lời thì anh Mạnh cũng tiến đến. Anh bảo: "Bạn nào biết bài này chỉ cho anh với, vừa cô giảng hơi nhanh, anh chưa hiểu lắm?". Chúng tôi nhìn nhau thở phào, dù vẫn hơi sợ nhưng vẫn gắng thay nhau chỉ bài cho anh. Chỉ bài xong, khoảng cách gượng gạo của chúng tôi cũng dần được phá vỡ, cảm giác sợ hãi anh cũng vơi bớt dần.
Sau khoảng một tuần học với những lần giảng bài bất đắc dĩ như thế thì chúng tôi cũng đã phần nào phá bỏ được rào cản với anh Mạnh, cả lớp đoàn kết, giúp đỡ nhau nhiều hơn trong học tập, cũng như công việc đoàn thể.
Hôm ấy, đang giờ ra chơi thì có một vụ ẩu đả. Trong khi một số bạn không can ngăn còn đứng ngoài cổ vũ thì anh Mạnh nhào đến, kịp thời kéo được các bạn ra, tránh được xô xát. Có bạn tỏ thái độ không phục anh vì trước đây anh cũng hay đánh nhau như thế. Anh liền giải thích cho các bạn hiểu, anh bảo mong các bạn không mắc phải những sai lầm như mình trước đây. Thế rồi, các bạn cũng xuôi. Chúng tôi thở phào quay về lớp. Thầy giáo chủ nhiệm biết chuyện đã tuyên dương anh Mạnh trước lớp, chúng tôi đồng loạt vỗ tay để cổ vũ anh. Khi ấy, chúng tôi hiểu rằng đừng nhìn vào sai lầm của một người trong quá khứ mà đánh giá, hãy nhìn vào những điều mà họ đã cố gắng sửa và làm được trong hiện tại để cùng nhau tốt lên.
NGUYỄN HÒA (Lớp 9B, Trường THCS Cẩm Hoàng, Cẩm Giàng)