Trung thu nhắc nhở chúng ta nhớ đến những nét trong trẻo mà tâm hồn mình từng có, những yêu thương mọi người dành cho nhau... để mai này nhớ lại những giây phút đã qua ta đều có thể mỉm cười hạnh phúc.
“Thùng thà thùng thình trống rộn ràng ngoài đình, có con sư tử vui múa quanh vòng quanh”. Lắng nghe những âm thanh ấy, tôi bất giác giật mình nhìn lên bầu trời, vầng trăng hôm nay tròn đầy và sáng trong quá. Vậy là Trung thu đã đến. Vẫn là tiếng trống múa rồng múa lân rộn rã, nhưng không phải “ngoài đình” mà rộn rã trên khắp các con đường, ngõ xóm báo hiệu Tết Trung thu đã đến.
Tết Trung thu nay có lẽ đã khác Tết Trung thu xưa nhiều lắm. Với tôi, Trung thu xưa hiện lên qua những câu chuyện kể của bà, của mẹ. Mẹ kể rằng, vào mỗi dịp Trung thu, mẹ cùng lũ trẻ ở quê háo hức lắm. Không có đồ chơi, mặt nạ, các loại đèn lồng đầy màu sắc, cũng không có mâm cỗ với bánh dẻo, bánh nướng đủ loại như bây giờ. Trung thu của mẹ là nồi bánh đúc thơm ngon bà ngoại chiêu đãi cả nhà. Vào ngày đó, cả nhà quây quần bên nhau ăn bánh đúc và ngắm ánh trăng tròn đầy. Đèn lồng được mẹ cùng đám bạn trong xóm tự chế bằng cách lấy vỏ hộp xà phòng rửa sạch, dùng cây sắt nhọn nung nóng để chọc hai chiếc lỗ, luồn dây, thêm chiếc que bằng tre làm cán cầm. Sau đó tất cả rủ nhau đi bắt đom đóm bỏ vào. Thế là có một chiếc đèn rực rỡ, lung linh để cùng nhau rước đèn, ngắm trăng. Giản dị vậy thôi, nhưng tôi thấy trong mắt mẹ niềm vui xen lẫn cả sự bâng khuâng, hoài niệm về những mùa trăng tròn mẹ đã đi qua.
Cuộc sống bây giờ đã hiện đại, hối hả hơn. Lũ trẻ chúng tôi không thể có những trải nghiệm về những mùa Trung thu bình dị như thế hệ của bố mẹ, nhưng thật sự mỗi khi gần tới ngày này, chúng tôi vẫn vô cùng háo hức. Mẹ cũng không quên mua cho chị em chúng tôi những chiếc đèn ông sao, những món đồ chơi rực rỡ đầy màu sắc và sắm mâm cỗ bắt mắt để chúng tôi cùng bạn bè đón trăng. Mâm cỗ lúc nào cũng có chuối, bưởi, cam và đặc biệt không thể thiếu bánh Trung thu gồm bánh dẻo và bánh nướng. Chúng tôi quay quần bên nhau, cùng nhau tìm hiểu về ý nghĩa của ngày Tết Trung thu, về sự tích chú Cuội, chị Hằng. Cũng có năm bố mẹ và các bác trong xóm còn tập trung cả xóm để tổ chức ngày hội trăng rằm. Những dịp như thế, cả xóm lại tất bật. Ngay từ buổi chiều, người lo trang trí sân khấu với một chiếc đèn ông sao siêu to, người lo âm thanh để lũ trẻ chúng tôi có thể trổ tài hát vang những bài hát vui nhộn về chủ đề Trung thu, người lo nấu mâm cỗ mặn thơm lừng. Đặc biệt dưới bàn tay khéo léo của các cô, các bác thì các loại củ quả, trái cây biến hóa thành những con vật rất ngộ nghĩnh, đáng yêu. Mâm cỗ Trung thu cũng vì thế mà trở nên thật đặc biệt. Rồi trong bữa trông trăng phá cỗ đó, chúng tôi được tham gia các trò chơi dân gian, trả lời các câu hỏi liên quan đến chị Hằng, chú Cuội. Ai trả lời đúng sẽ nhận được những món quà nho nhỏ và những tràng vỗ tay giòn giã của mọi người. Không khí đón Trung thu thật rộn ràng, vui vẻ.
Nhiều lúc tôi thầm cảm ơn khoảnh khắc đêm trăng Trung thu, nó không chỉ là dịp để tôi được thưởng thức vẻ đẹp ánh trăng, được vui vẻ cùng bạn bè mà con là dịp mọi người tới gần nhau hơn. Nhờ đó tôi cũng hiểu hơn ý nghĩa đoàn viên của Tết Trung thu. Trung thu nhắc nhở chúng ta nhớ đến những nét trong trẻo mà tâm hồn mình từng có, những yêu thương mọi người dành cho nhau... để mai này nhớ lại những giây phút đã qua ta đều có thể mỉm cười hạnh phúc.
PHẠM PHÙNG GIA NHƯ (Phường Tân Bình, TP Hải Dương)