Bài tập thở, giữ thăng bằng, tăng cường thể lực giúp người bệnh giảm tác dụng phụ của hóa, xạ trị, tinh thần thoải mái, ngủ sâu, ăn ngon hơn.
Việc tập thể dục mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe người bệnh ung thư
Theo Cancer.Net (trang tin của Hội Ung thư lâm sàng Mỹ), khi tập thể dục thường xuyên, cơ thể sẽ trải qua hàng loạt thay đổi, trở nên rạng ngời, trẻ trung hơn. Với người bệnh ung thư, hoạt động thể chất đúng khoa học giúp giảm mệt mỏi, nguy cơ trầm cảm và lo lắng, ngăn ngừa mất cơ bắp, cải thiện giấc ngủ, góp phần ngăn ngừa mắc các bệnh ung thư khác, bệnh tim, tiểu đường...
Một loạt bài tập khác nhau là chìa khóa cho một chương trình tập thể dục hiệu quả trong và sau khi điều trị ung thư.
Các bài tập thở
Một số người bị ung thư có thể khó thở, Điều này khiến họ lười hoạt động thể chất. Lúc này, các bài tập thở giúp di chuyển không khí vào và ra khỏi phổi, cải thiện sức khỏe người bệnh. Những bài tập cũng giúp giảm căng thẳng, lo lắng, đồng thời khiến cơ bắp săn chắc.
Bài tập thăng bằng
Các bài tập thăng bằng có thể giúp bạn cải thiện sức khỏe, khả năng vận động linh hoạt trở lại. Duy trì sự cân bằng tốt cũng giúp mỗi người ngăn ngừa chấn thương, chẳng hạn như té ngã.
Aerobic
Aerobic còn được gọi là cardio, một loại bài tập làm tăng nhịp tim, có thể giúp người bệnh cảm thấy bớt mệt mỏi trong và sau khi điều trị. Tuy nhiên, người bệnh nên hỏi bác sĩ để điều chỉnh chế độ tập phù hợp. Ngoài ra, bạn có thể di bộ, duy trì 3 đến 4 lần mỗi tuần, với tốc độ vừa phải.
Bài tập thể lực
Mất cơ bắp thường xảy ra khi người bệnh điều trị ung thư. Việc rèn luyện thể lực sẽ giúp bạn duy trì cơ thể khỏe mạnh, xây dựng cơ bắp. Đồng thời, thực hiện các bài tập tăng lượng cơ giúp cải thiện sự cân bằng, giảm mệt mỏi, nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh. Hoạt động cũng giúp chống loãng xương, làm suy yếu xương do phương pháp điều trị ung thư gây ra.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến nghị mỗi người dành 2 ngày tập luyện sức mạnh toàn thân mỗi tuần. Các bài tập với tạ tay, máy tập thể dục, dây kháng lực là gợi ý cho người bệnh.
Duy trì động lực tập luyện là điều khó khăn khi cơ thể mệt mỏi, suy yếu. Trước tình huống này, bệnh nhân có thể tự thúc đẩy bằng cách đo số bước chân đi được hàng ngày bằng đồng hồ, tạo một cuốn nhật ký tập luyện để đặt mục tiêu trong thời gian ngắn.
Người bệnh ung thư phải thận trọng khi tập thể dục. Bạn có thể phải thay đổi kế hoạch tập luyện tùy thuộc vào tác dụng phụ của quá trình điều trị. Ví dụ, nếu điều trị gây mất xương, bạn nên tránh các bài tập gây căng thẳng ở cổ, tăng nguy cơ ngã quỵ.
Lưu ý giúp tập luyện an toàn
- Ngay cả khi bạn đã hoạt động thể chất trước khi điều trị thì vẫn nên xây dựng chế độ tập luyện với cường độ nhẹ rồi tăng dần, điều này giúp tránh chấn thương, không nản lòng trong thời gian đầu.
- Tập thể dục trong môi trường an toàn: Nếu điều trị đã làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bạn, hãy tránh các phòng tập thể dục bí bách, vệ sinh kém, nơi vi khuẩn lây lan dễ dàng.
- Lắng nghe cơ thể: Nếu mức năng lượng của bạn thấp, hãy điều chỉnh thời gian hoặc mức độ tập.
- Uống nhiều nước trong quá trình tập luyện để tránh mất nước.
- Duy trì một chế độ dinh dưỡng khoa học: Các loại thực phẩm phù hợp, giàu protein giúp cơ thể phục hồi sau khi tập thể dục. Ngoài ra, người bệnh có thể tham khảo chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng thực đơn phù hợp.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ: Sức khỏe của bạn có thể thay đổi trong quá trình điều trị. Người bệnh duy trì kiểm tra các chỉ số sức khỏe quan trọng như số lượng máu để biết nếu nó đáp ứng để tập thể dục.
Theo VnExpress