Bác Hồ sáng lập báo Thanh Niên

20/06/2020 18:58

Báo Thanh Niên ra đời đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ngày 21.6.1925-ngày báo Thanh Niên ra số đầu tiên đã trở thành Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập báo Thanh Niên, tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam

Năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Sau khi thành lập Hội, Nguyễn Ái Quốc đã cho xuất bản tờ báo Thanh Niên tại ngôi nhà số 13 (nay là số 248 - 250) đường Văn Minh, TP Quảng Châu, để giữ vai trò tổ chức và hướng dẫn phong trào cách mạng trong nước. Đây là tờ báo bí mật đầu tiên của người cách mạng Việt Nam bằng chữ quốc ngữ.

Người trực tiếp phụ trách và cũng là người viết nhiều bài nhất cho báo Thanh Niên chính là Bác Hồ. Vì là tờ báo bí mật từ việc ra báo đến phát hành, báo không đề tên cơ quan ngôn luận trên măng-sét. Bác không những lãnh đạo mọi mặt đối với việc ra báo, mà còn trực tiếp viết bài, biên tập, theo sát in ấn, phát hành... Số báo Thanh Niên đầu tiên ra mắt ngày 21.6.1925. 

Báo Thanh Niên thời gian đầu ra một tuần một kỳ trên 100 bản. Về sau, do gặp nhiều khó khăn nên số sau cách số trước từ 3 đến 5 tuần. Phần lớn mỗi số báo có hai trang cỡ trung bình 13 cm x 19 cm, một số ít ra 4 trang. Báo Thanh Niên được bí mật chuyển về Việt Nam bằng đường tàu thuỷ, lưu hành trong các chi bộ của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, trong các cơ sở cách mạng của Việt kiều tại Pháp, Thái Lan, Trung Quốc. Mỗi khi báo về đến cơ sở thì các hội viên Thanh niên cách mạng đồng chí chép lại thành nhiều bản để phân phát cho nhiều người đọc.

Bám sát vào tôn chỉ, mục đích, báo Thanh Niên đã thể hiện được nhiều nội dung phong phú, sâu sắc với nhiều thể loại như xã luận, bình luận, lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới và nhiều tin tức thời sự quan trọng. Thông qua đó để phát động lòng yêu nước, căm thù giặc, giáo dục, bồi dưỡng ý chí quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược, giành độc lập tự do cho đất nước. Với lối viết giản dị, sinh động, ngắn gọn, dễ hiểu, chứa đựng tính chiến đấu, tính thuyết phục cao nên báo Thanh Niên đã phát huy tác dụng kêu gọi, cổ vũ quần chúng, nhân dân và tuổi trẻ mạnh mẽ, sâu sắc. Ví dụ như: “Cái cực khổ của người An Nam đã hết mức rồi! Không có dân nước nào mà khổ sở như vậy. Đồng bào ơi! Quyền tự do là trời cho mình. Người mà không được tự do thà rằng chết. Tỉnh dậy, đập vỡ cái lồng Tây nó nhốt người mình đó. Đồng bào ơi! (báo Thanh Niên số 63 ngày 3.10.1926).

Nêu lên chân lý muốn giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp thì phải làm cách mạng, báo Thanh Niên số 2 ngày 28.6.1925 viết: “Cách mệnh là sự biến đổi xấu thành tốt, đó là căn nguyên của mọi hoạt động, nhờ đó mà một dân tộc bị áp bức được giải phóng, trở nên giàu mạnh. Lịch sử các nước đã dạy chúng ta rằng chỉ bằng con đường cách mệnh thì mới có thể tiến tới hình thành được một chính thể có nền giáo dục, công nghiệp, tổ chức phục vụ xã hội tốt đẹp hơn”. 

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, do đó “Không phải một vài người làm nổi được mà cũng không phải mấy ngày mấy tháng làm ngay được.” (Thanh Niên số 66 ngày 21.10.1926). Điều quan trọng đáng chú ý nhất là báo Thanh Niên số 61 ra ngày 19.7.1926 đã vạch rõ: “Chỉ có Đảng Cộng sản mới đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam.”

Như vậy, báo Thanh Niên đã chính thức công khai đưa việc cần phải tổ chức ra Đảng Cộng sản ở Việt Nam để lãnh đạo nhân dân cả nước đứng lên đấu tranh lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, giành lại chính quyền về tay nhân dân. Vì vậy, báo Thanh Niên đã làm cho bọn thực dân Pháp ở Việt Nam phải hoang mang, lo sợ.

Về mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, nhất là Cách mạng Tháng Mười Nga, báo Thanh Niên đã có hàng loạt bài nhằm giúp cho thanh niên và nhân dân ta những hiểu biết cần thiết về sự thành công của nhân dân Nga dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích Nga, về chủ nghĩa Mác-Lênin. Báo Thanh Niên số 68 ngày 7.11.1926 khẳng định: “Cách mạng Tháng Mười Nga chẳng những có quan hệ với dân Nam mà còn có quan hệ với tất cả các dân tộc bị đè nén, áp bức, bóc lột trên thế giới. Nay từ cách mạng Nga đã rút ra được nhiều kinh nghiệm để làm gương cho chúng ta bắt chước. Cách mạng Nga như đã đắp đường cho chúng ta có đường mà đi”.

Như vậy là lần đầu tiên một tờ báo cách mạng theo xu hướng cộng sản chủ nghĩa, viết bằng tiếng Việt được đăng tải, truyền bá rộng rãi trong quần chúng vừa có tác dụng cổ vũ tinh thần yêu nước lại vừa khẳng định hướng đi cho cách mạng Việt Nam. Báo Thanh Niên là một trong những phương tiện giáo dục chủ nghĩa cộng sản cho các tầng lớp thanh niên lúc bấy giờ, thu hút một lực lượng đông đảo thanh niên đến với cách mạng, đào tạo họ thành lớp thanh niên cách mạng thật sự, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tiêu biểu cho lớp thanh niên đầu tiên đó là Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Hoàng Văn Nọn…

Tháng 4.1927, Tưởng Giới Thạch phản bội cách mạng Trung Quốc, đàn áp những người làm cách mạng và các đảng viên cộng sản. Cơ quan lãnh đạo của Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hoạt động trên đất Trung Quốc phải rút vào bí mật. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc phải rời Quảng Châu sang Liên Xô. Báo Thanh Niên ngừng hoạt động từ tháng 4.1927, xuất bản được 88 số. Tổng bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội chuyển đến Hồng Kông, tiếp tục cho xuất bản báo Thanh Niên cho tới đầu năm 1930.

Sự ra đời của báo Thanh Niên đã gây được tiếng vang lớn, góp phần chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, lý luận và tổ chức cho sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Báo Thanh Niên ra đời đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam và ngày 21.6.1925 trở thành Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

NGUYỄN HỮU

(0) Bình luận
Bác Hồ sáng lập báo Thanh Niên