Mai này trưởng thành, đi xa, tôi sẽ nhớ mãi những kỷ niệm êm đềm về quãng thời gian ở bên bà ngoại.
Bố mẹ tôi đi làm ăn tận miền Nam, muốn mang theo tôi đi cùng nhưng bà ngoại tôi nhất định không đồng ý. Bà lo tôi bé quá, bố mẹ vào đó mải làm không có nhiều thời gian nên bà kiên quyết giữ tôi ở nhà để bà trông nom, săn sóc. Lúc ấy tôi mới lên ba tuổi. Ông cũng bận công tác nên mọi việc nuôi dưỡng, bảo ban tôi do bà đảm nhận. Tôi gầy yếu, quặt quẹo như cái cây cớm nắng nên bà chăm sóc tôi rất vất vả. Hàng xóm thường đùa rằng: “Cháu bà nội, tội bà ngoại”. Lúc ấy bà chỉ cười xòa: “Con nào chẳng là con, cháu nào chẳng là cháu”.
Sau này, bà kể rằng lúc bé, tôi rất lười ăn và ăn chậm nên bà phải kiên trì, hết bế cắp nách lại cõng tôi đi khắp xóm chỉ để tôi ăn được hết phần của mình. Bà sợ tôi bị suy dinh dưỡng nên có gì ngon, bổ béo bà cũng dành phần tôi và ép tôi ăn bằng được. Tôi dễ tủi thân, hơi một tí là khóc, mà khóc rất dai, bởi thế bà rất tốn công tốn sức khi dỗ tôi nín. Bà sợ tôi khóc lâu sẽ ốm, lại mất tiếng thì khổ thân. Sau này, bà phát hiện rằng hễ bà cất lời hát ru là tôi sà vào lòng, thổn thức một lúc thì cơn hờn tan biến rồi ngủ thiếp đi trong vòng tay âu yếm. Bàn tay bà thô ráp, chai sần vì bao năm lam lũ với đồng ruộng. Bà thức khuya dậy sớm, làm đủ mọi việc của nhà nông để nuôi ba con ăn học mong thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn. Bà bảo: “Mình bà vất vả, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời là đủ rồi. Các con, các cháu phải thoát ly, phải thành đạt thì ông bà mới vui lòng”.
Vậy mà lớn lên một chút, tôi lại là đứa con gái nghịch ngợm. Trò nào tôi cũng tham gia, từ trèo cây hái trộm ổi nhà bên cạnh đến bốc cát ném nhau. Có lần tôi rủ đám bạn hàng xóm sang nhà bà chơi trốn tìm. Cái Na chui vào đống rơm nấp không chịu ra. Tôi lấy bao diêm quẹt lửa đốt luôn đống rơm của bà. Lửa bén rất nhanh, khói nghi ngút. Cái Na ho sặc sụa, vừa chạy ra vừa hét toáng lên: “Cứu…cứu! Cứu với…”. Tôi sợ xanh mặt nhưng lóng ngóng chẳng biết làm gì. Bà đang tưới rau ở sau vườn chạy vội vào, dội nước ào ào. Ngọn lửa tắt ngấm thì đống rơm của bà cũng bị cháy mất non nửa. Hôm ấy ông phạt tôi nằm úp mặt xuống phản, chưa kịp giơ roi lên thì bà đã chạy lại níu tay ông: “Tôi xin ông! Cháu nó dại...”. Chưa bị ông đánh cái roi nào mà tôi đã khóc rung cả phản. Vừa khóc tôi vừa mếu máo: “Con sẽ đi kiếm củi bù vào chỗ rơm cháy cho ngoại”. Ông bật cười, buông roi. Nhưng bà ngồi lại với tôi thủ thỉ: “Bà không tiếc chỗ rơm cháy đâu. Bà sợ nguy hiểm kia”. Lần nào tôi mắc lỗi bà cũng thủ thỉ: “Đừng nghịch dại như thế nữa nghe chưa?”. Tôi biết lỗi, cứ ôm lưng bà thút thít khóc.
Sau này đi học, có lần tôi bị bọn trẻ "đầu gấu" bắt nạt, bà lọc cọc đạp xe lên tận trường nhờ cô giáo phân giải. Đến khi bọn “đầu gấu” bị bố mẹ chúng dẫn đến nhà xin lỗi, bà ừ ào cho qua rồi còn hái một rổ khế cho họ. Tôi hậm hực ra mặt nhưng bà chỉ bảo rằng: “Người ta sai, người ta xin lỗi rồi thì mình cũng nên bỏ qua con ạ! Đừng bao giờ cố chấp, thêm bạn bớt thù”. Tôi lặng im, thầm nghĩ có lẽ bà hiền hòa như thế nên xung quanh ai cũng quý mến bà.
Tôi ở với ông bà ngoại hơn chục năm thì bố mẹ tôi chuyển hẳn về Bắc nhưng tôi không thể nào rời xa ngôi nhà của ngoại được. Tôi đã quen được bà ngoại chăm sóc, quen với nếp sinh hoạt thường ngày được rèn từ nhỏ, quen với cả khẩu vị trong từng bữa ăn nên tôi chỉ muốn ở mãi với bà.
Dạo này, bà hay đãng trí. Đó là biểu hiện bệnh của tuổi già. Nhiều lần bà vặn vòi nước, cứ để nước chảy ồ ồ rồi bỏ đi làm việc khác hay bà bật bếp ga nấu nướng, chẳng để ý nên cháy mất hai cái xoong. Chân thường bị đau mỗi khi trái gió trở trời nên bà đi tập tễnh. Đêm bà trằn trọc khó ngủ hoặc sáng sáng bà dậy từ tờ mờ.
Mai này trưởng thành, đi xa, tôi sẽ nhớ mãi những kỷ niệm êm đềm về quãng thời gian ở bên bà ngoại. Tôi nhớ mãi vòng tay ấm áp ấy, vòng tay đã nuôi dưỡng tuổi thơ tôi và những lời răn dạy nhẹ nhàng mà thấm thía của ngoại sẽ là hành trang theo tôi suốt cuộc đời.
VŨ THỊ THANH ANH (Lớp 10F, Trường THPT Nam Sách)