Điều kiện không quá khó, thu nhập cao và thời gian làm việc được gia hạn lâu khiến Ba Lan trở thành thị trường thu hút sự quan tâm của người lao động.
Không chỉ những thị trường tiếp nhận hàng chục ngàn lao động mỗi năm như Nhật Bản, Đài Loan hay Hàn Quốc, Ba Lan là thị trường mới nhất có thể tiếp nhận nhiều lao động phổ thông có thời hạn của Việt Nam và đang là cánh cửa rộng mở cho người lao động (NLĐ) có nhu cầu ra nước ngoài làm việc.
Mức lương hơn 1.000 euro/tháng
Tại Ba Lan, hiện tượng di dân nội bộ khối châu Âu mà chủ yếu sang Đức, Anh với hàng triệu lao động đang làm việc tại Ba Lan rời đi khiến quốc gia Trung Âu này đang thiếu hụt nguồn nhân lực phổ thông trầm trọng. Các thay đổi về chính sách và nhu cầu phát triển kinh tế khiến Ba Lan đang tiếp tục cần NLĐ từ Việt Nam, Philippines, Ấn Độ, Nepal.
Theo ông Mateusz Matysiak, quản lý nguồn nhân lực tại Công ty Emat HRC (vùng Wolsztyn, Ba Lan), chính sách visa và sự chuẩn bị để hỗ trợ lao động từ các cơ quan lãnh sự Cộng hòa Ba Lan ở châu Á đang thúc đẩy tiềm năng tiếp nhận lao động đến từ khu vực này. "Chúng tôi mong muốn NLĐ từ Nam Á và Đông Nam Á đến Ba Lan làm việc từ nhiều năm qua, nhất là sau khi hàng triệu công dân Ukraine, vốn từng có visa ngắn hạn sang Ba Lan lao động, nay tìm cách sang Đức vì thu nhập cao hơn. Vì thế, lao động đến từ Việt Nam đang là ưu điểm để mời gọi tuyển dụng" - ông Mateusz Matysiak cho biết. Ông Matysiak nhận xét người Việt Nam chăm chỉ, yêu mến nước Ba Lan và hiện đã có một cộng đồng người Việt đáng kể đang sinh sống, làm việc, học tập tại Ba Lan.
Các công ty ở Ba Lan cũng đánh giá các công ty môi giới lao động của Việt Nam làm việc chuyên nghiệp, biết cách trợ giúp cho đối tác. Trình độ tay nghề của lao động Việt Nam rất khá và đa số được học tiếng Anh nên sẽ thuận lợi trong việc hòa nhập cuộc sống, công việc tại Ba Lan. "NLĐ Việt Nam khi đến nhận việc có trình độ như công ty môi giới cam kết với chủ lao động sẽ là nền tảng lâu dài để đánh giá chất lượng lao động của Việt Nam trong thời gian tới" - ông Mateusz Matysiak chia sẻ thêm.
Các nhóm ngành liên quan đến kỹ thuật, cơ khí, vận hành máy móc, thợ hàn, thợ đóng tàu, thợ cơ khí, thợ mộc, thợ kết cấu hoặc các ngành về lái xe tải, lái xe nâng, lái cần cẩu… vẫn luôn là nhóm ngành thị trường lao động Ba Lan tìm kiếm lao động ở mức độ cao nhất. Lương trung bình tại Ba Lan hiện vào khoảng 1.000 euro/tháng, thấp hơn so với Đức, Anh, Ireland, Thụy Điển... nhưng vẫn đủ hấp dẫn với người ngoài châu Âu.
Lao động trẻ Việt Nam có thêm cơ hội việc làm tại châu Âu
Cơ hội rộng mở
Là một nước nằm trong Liên minh châu Âu, quy trình tuyển dụng lao động của Ba Lan minh bạch và hợp pháp. NLĐ được bảo vệ với hợp đồng ký kết rõ ràng cùng chủ sử dụng lao động, với những chính sách về bảo hiểm, y tế, xã hội đi kèm. Khi sinh sống và làm việc tại Ba Lan, NLĐ Việt Nam sẽ được hưởng một chế độ làm việc công bằng và an tâm, đây chính là cơ sở đầu tiên để Ba Lan thu hút nguồn nhân lực.
Theo bà Nguyễn Thái Linh, Đại học Tổng hợp Warsaw (Ba Lan), những NLĐ sang Ba Lan sau này cần chú ý đến văn hóa nước sở tại, vì đã thay đổi nhiều theo sự phát triển của xã hội. Người Việt Nam sang Ba Lan cần học hỏi tính kỷ luật, sự chuyên nghiệp trong công việc, học cách tôn trọng pháp luật. Không thể sống với tư duy "phép vua thua lệ làng" như ở Việt Nam. Bên cạnh đó, NLĐ Việt Nam cần rèn thêm ngôn ngữ để hòa nhập, biết quan tâm đến các vấn đề chung của xã hội, bắt đầu từ môi trường nhỏ nhất như những vấn đề của khu chung cư hay khu phố nơi mình sinh sống... "Thị trường Ba Lan là cơ hội rộng mở cho những NLĐ nghiêm túc và chuyên nghiệp. Hiện nay có rất nhiều đơn vị triển khai chương trình xuất khẩu lao động đi Ba Lan nhưng không phải đơn vị nào cũng uy tín. Chính vì thế, bạn cần tìm hiểu thật kỹ các thông tin và lựa chọn đơn vị uy tín để trao gửi niềm tin" - bà Linh nhắn nhủ.
Hiện Ba Lan có nền kinh tế thị trường, chủ yếu sở hữu tư nhân. Việc tư nhân hóa các công ty nhà nước vừa, nhỏ và luật tự do thành lập các công ty mới đã cho phép lĩnh vực tư nhân có bước phát triển mạnh mẽ, có khu vực nông nghiệp rộng lớn với tiềm năng để trở thành nước xuất khẩu lương thực hàng đầu trong Liên minh châu Âu. Các sản phẩm của Ba Lan gồm quần áo, vật dụng điện tử, ôtô, máy bay, phương tiện vận tải, đầu máy xe lửa, tàu thủy, dược phẩm, thực phẩm, hóa chất…
108 lao động nam đã sang Ba Lan làm việc |
Theo Người lao động