Ngày 25.2, Australia thông qua luật nhằm buộc các nền tảng mạng xã hội hoạt động tại nước này phải trả phí cho việc khai thác, sử dụng thông tin.
Ảnh minh họa
Điều luật trên được thông qua với sự ủng hộ mạnh mẽ của các đảng phái tại Australia, sau khi chính phủ nước này đưa ra những điều chỉnh vào phút chót sau việc mạng xã hội Facebook ngăn chặn chức năng chia sẻ thông tin tại Australia.
Đây là điều luật đầu tiên trên thế giới bắt Google và Facebook phải trả phí cho các hãng tin, tòa soạn báo, công ty truyền thông một khi các nền tảng mạng này khai thác sử dụng thông tin của họ.
Theo luật vừa được thông qua, có tên chính thức là Luật Thương lượng các nền tảng số và thông tin truyền thông, Google và Facebook cần phải đàm phán các thỏa thuận bản quyền với đơn vị cung cấp thông tin xuất hiện trên mạng xã hội của các ông lớn công nghệ này.
Trong cuộc điện đàm ngày 23.2, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã nhất trí sẽ cùng hợp tác để yêu cầu các tập đoàn Internet trả tiền cho các hãng tin. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục phối hợp các nỗ lực để đảm bảo doanh thu của những tập đoàn Internet được chia sẻ công bằng hơn với người sáng tạo/tác giả và các phương tiện truyền thông.
Tối 24.2, Thượng viện Australia đã thông qua điều luật do Chính phủ liên bang đề xuất này. Phát biểu trước Ủy ban kinh tế của Quốc hội Australia, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Rod Sims cho biết ông rất hài lòng với bộ quy tắc, đồng thời khẳng định các quy tắc được ban hành thành luật sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động báo chí.
Sau một thời gian dài thúc giục các công ty công nghệ thỏa thuận về tự nguyện trả tiền khi lấy tin tức từ các tổ chức báo chí nội địa nhưng không đạt kết quả, từ giữa năm ngoái, Chính phủ Australia đã thúc đẩy ban hành Bộ quy tắc thương lượng truyền thông.
Mục đích của luật là tạo ra khuôn khổ cho việc đàm phán bình đẳng giữa các "gã khổng lồ" công nghệ toàn cầu, vốn được coi là có sức mạnh thị trường lớn hơn hẳn so với các hãng tin tức nội địa, thông qua đó buộc các công ty đó, trước hết Google và Facebook, trả tiền cho nội dung tin tức của các tổ chức báo chí nội địa xuất hiện trên các nền tảng công nghệ. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh hoạt động báo chí ở Australia ngày càng gặp nhiều khó khăn do bị mất các nguồn thu quảng cáo vào tay các công ty công nghệ.
Thực trạng Facebook và Google lâu nay sử dụng nội dung tin tức của các hãng truyền thông Canada mà không hề trả phí và đây được cho là nguyên nhân chính dẫn đến "những cái chết hàng loạt" trong làng truyền thông của Canada. Trong một thập niên qua, hơn 250 tờ báo của Canada đã phải đóng cửa. Hiện đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, buộc những tờ báo vốn đã phải vật lộn với khó khăn trong thời gian dài trước đó, phải thu gọn bộ máy nhân lực.
Hành động cương quyết của Australia được cho là sẽ tác động tới nhiều nước khác, vốn lâu nay vẫn xảy ra tranh cãi với các nền tảng mạng xã hội (big tech) về “luật chơi”. Ngoài Australia, hiện có một số nước và khu vực đang có xung đột với Facebook, Google trong lĩnh vực truyền thông tin tức, trong đó có Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Đức.
Theo TTXVN