UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, được kỳ vọng là công cụ quản lý hoạt động khai thác khoáng sản hiệu quả, khắc phục hạn chế.
Trung tâm Tài nguyên môi trường đo đạc, kiểm tra mốc giới mỏ khoáng sản
Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT), khoáng sản của Hải Dương tập trung chủ yếu ở TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn. Tiềm năng, thế mạnh chủ yếu là nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Ngoài ra, còn một số loại khoáng sản khác như than đá, than bùn, silic… Phần lớn các loại khoáng sản đã được phát hiện và khai thác trước khi có Luật Khoáng sản năm 1996. Đến nay, nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng đã dần cạn kiệt. Hầu hết các mỏ, điểm mỏ ở vào giai đoạn cuối của quá trình khai thác và phải thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường.
Qua theo dõi và đánh giá của Sở TNMT, hoạt động khai thác khoáng sản thời gian qua đã cung ứng nguồn nguyên vật liệu phục vụ hoạt động xây dựng, dân sinh và đóng góp vào ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Việc cắm mốc các khu vực được cấp phép khai thác và kiểm soát sản lượng khai thác chưa tốt. Chưa có phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Tình trạng vi phạm liên quan tới hoạt động khai thác khoáng sản vẫn diễn biến phức tạp… Trước thực trạng này, Sở TNMT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
Bà Ngô Thị Thảo, Trưởng Phòng Tài nguyên khoáng sản, nước, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Sở TNMT) chia sẻ, đây là lần đầu tiên Hải Dương ban hành phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh. Nội dung của phương án đã nêu rõ các khu vực khoáng sản cần phải bảo vệ và quy định cụ thể, rõ trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương.
Theo bà Thảo, khi chưa có phương án, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan và UBND các cấp trong việc xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép còn lúng túng, thậm chí chưa kịp thời. Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh đã quy định rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm nên sẽ khắc phục được hạn chế trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
Khu mỏ đất đá làm nguyên liệu sản xuất gạch ngói ở đồi Trại Mét và Trại Quan, phường Bến Tắm nằm trong danh sách đấu giá quyền khai thác khoáng sản đợt 1, năm 2023 của tỉnh
Tạo chuyển biến
Theo phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác được ban hành, toàn tỉnh có 79 khu vực khoáng sản nằm trong các quy hoạch khoáng sản của địa phương và trung ương, 8 khu vực không nằm trong quy hoạch khoáng sản hiện nay nhưng có khoáng sản cần phải bảo vệ. Có 1.339 khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khai thác khoáng sản. Ngoài ra, còn có các khu vực khác ở Chí Linh, Kinh Môn có tiềm năng về khoáng sản cần phải bảo vệ. Tỉnh đã đưa ra 6 giải pháp cụ thể bảo vệ các khu vực khoáng sản chưa khai thác.
Theo ông Nguyễn Văn Hoàn, Trưởng Phòng TNMT Kinh Môn, đối với các mỏ khoáng sản trên địa bàn đã được đóng cửa trong thời gian vừa qua, UBND thị xã chỉ đạo, giao cho chính quyền địa phương tiếp nhận, quản lý sử dụng và quy định rõ Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng sử dụng đất, khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. “Hiện nay, Phòng TNMT đang tham mưu cho UBND thị xã triển khai thực hiện phương án của tỉnh, trong đó có việc thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin 24/24 giờ, kịp thời xử lý hoặc phối hợp xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Phòng cũng đang tham mưu xây dựng quy chế làm cơ sở cho hoạt động phối hợp bảo vệ khoáng sản đối với những vùng khoáng sản giáp ranh giữa các địa phương để kịp thời trong kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác trái phép”, ông Hoàn chia sẻ.
Là một trong những địa phương có mỏ khoáng sản được tổ chức đấu giá quyền khai thác trong năm nay, phường Bến Tắm (Chí Linh) đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản cho nhân dân. Lãnh đạo địa phương đã chỉ đạo rà soát nhằm kịp thời phát hiện hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. “UBND phường đã ban hành các văn bản chỉ đạo liên quan đến hoạt động bảo vệ khoáng sản và giao trách nhiệm cụ thể cho trưởng thôn, khu dân cư. Tới đây, phường Bến Tắm sẽ lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin về hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn”, ông Phan Văn Cảnh, Chủ tịch UBND phường Bến Tắm cho biết.
Theo ông Hoàng Văn Thực, Giám đốc Sở TNMT tỉnh, việc quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan và của tất cả các tầng lớp nhân dân. Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác giúp nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong công tác quản lý khoáng sản. Qua đó sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả các loại khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
LAN HOA