Thông tin được nêu trong báo cáo kết quả việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Quang cảnh phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII
Tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã báo cáo kết quả việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 26.3.2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Hoàn thành 5 trong 14 chỉ tiêu
Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU của UBND tỉnh, theo báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2021 (DTI 2021), tỉnh Hải Dương tăng 5 bậc so với trước khi thực hiện Đề án, tiếp tục duy trì vị trí thứ 14 cả nước về chuyển đổi số (mục tiêu đến năm 2025 đứng thứ 15).
Trong đó, thứ hạng so với cả nước về nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số của tỉnh lần lượt là 22, 10, 10, 37. Xếp hạng về an toàn thông tin mạng, hoạt động chính quyền số, hoạt động kinh tế số, hoạt động xã hội số lần lượt là 38, 8, 20, 9. Về 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, thứ hạng của tỉnh so với cả nước lần lượt là 13, 18, 18.
Đến hết năm 2022, Hải Dương đã hoàn thành được 5 chỉ tiêu trong 14 chỉ tiêu Nghị quyết 06-NQ/TU, có 7 chỉ tiêu đạt từ 60% trở lên, có 1 chỉ tiêu đạt được 43%, có 1 chỉ tiêu đã bước đầu triển khai.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc triển khai nghị quyết còn gặp hạn chế trong giai đoạn đầu. Một số bộ phận cán bộ, công chức chưa hiểu rõ chuyển đổi số nên việc xây dựng các chỉ tiêu, nhiệm vụ ban đầu chưa đầy đủ và đến nay có thể không còn sát với thực tế…
Điều chỉnh một số chỉ tiêu
Để khắc phục những hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đề ra 3 nhóm giải pháp về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho phép điều chỉnh một số chỉ tiêu đề ra trong nghị quyết. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025: Chỉ tiêu “Phấn đấu đến năm 2025, 100% số thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp mức độ 4” được đề nghị điều chỉnh: “Phấn đấu đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình”. Chỉ tiêu “Năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 8%” được đề nghị điều chỉnh: “Năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%”. Chỉ tiêu “Phấn đấu có trên 700 doanh nghiệp công nghệ số”, đề nghị điều chỉnh: “Phấn đấu có trên 200 doanh nghiệp công nghệ số”.
Về mục tiêu đến năm 2030: Chỉ tiêu “Năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 10%”, nay đề nghị điều chỉnh: “Năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 8%”. Chỉ tiêu “Phấn đấu có trên 1.000 doanh nghiệp công nghệ số”, nay đề nghị điều chỉnh: “Phấn đấu có trên 300 doanh nghiệp công nghệ số”.
PV
>>> Sáng nay 6.4, khai mạc Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII
>>> Hải Dương tăng trưởng kinh tế đứng thứ 9 cả nước là tín hiệu tích cực để hoàn thành các mục tiêu phát triển
>>> Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tập thể ở Hải Dương còn chậm