LTS: Sau khi đọc Chuyên san Hồ sơ sự kiện số đặc biệt của Tạp chí Cộng sản về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phát hành đúng dịp Quốc tang, phóng viên Báo Hải Dương phát hiện bài viết ''Mấy kinh nghiệm lãnh đạo hợp tác xã của Đảng bộ xã Hồng Hưng'' của đồng chí Nguyễn Phú Trọng trên Tạp chí Học tập số 1 năm 1971, với bút danh Phú Trọng.
Khi đó, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cán bộ biên tập của Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản). Xã Hồng Hưng thuộc huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương ngày nay. Báo Hải Dương đã liên hệ và được sự giúp đỡ của nhà báo Nguyễn Tri Thức, Uỷ viên Bộ Biên tập, Trưởng ban Chuyên đề và Chuyên san. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc toàn văn bài viết quý này sau đây:
Bốn năm nay, hợp tác xã Phương Hồng (xã Hồng Hưng) liên tục đạt năng suất lúa từ 6 tấn đến 7 tấn một héc ta cả năm. Về chăn nuôi, hợp tác xã đã đưa đàn lợn lên 3.156 con (trong đó có 1.000 con được nuôi tập thể), bình quân hơn 4 con trên một héc ta gieo trồng. Hợp tác xã đã rút ra được 208 lao động (bằng 15% số lao động trong toàn xã) để phát triển các ngành nghề như thả cá, trồng cây, may, dệt chiếu, làm gạch, mộc, rèn, v.v... nâng số thu nhập về ngành nghề lên 26% so với tổng thu nhập của hợp tác xã. Hiện nay một lao động đã làm được 0,98 héc ta gieo trồng. Hợp tác xã bốn năm liền giữ danh hiệu “lá cờ đầu về năng suất cao, chăn nuôi giỏi” của huyện Gia lộc, tỉnh Hải Hưng, và hai lần được Hội đồng Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.
Thắng lợi bước đầu đó đã tạo ra cho Phương Hồng một cơ sở thuận lợi để tiếp tục tiến lên những bước mạnh mẽ và vững chắc hơn. Thắng lợi đó không tách rời sự lãnh đạo của đảng bộ xã.
Trước đây, xã Hồng Hưng có 6 hợp tác xã nhỏ ở 6 thôn, điều kiện ruộng đất gần giống nhau, nhưng mỗi hợp tác xã canh tác mỗi khác. Có hợp tác xã sản xuất và chăn nuôi khá, đạt năng suất cao như Hoàng Xá, nhưng cũng có hợp tác xã xác định cơ cấu cây trồng, tỷ lệ chăn nuôi với trồng trọt không hợp lý, làm ảnh hưởng đến thu nhập của hợp tác xã như Cát Tiền, Hoàng Phê.
Hợp tác xã Cát Tiền có 43,2 héc ta đất canh tác thì năm 1966 trồng cà chua hết 10,8 héc ta, làm dược mạ hết 3,6 héc ta, chỉ còn 28,8 héc ta cấy lúa chiêm, ngoài ra không trồng thêm hoa màu gì khác. Năng suất lúa chỉ đạt 3,2 tấn một héc ta cả năm. Hợp tác xã chẳng những không bảo đảm kế hoạch đóng góp lương thực cho Nhà nước, mà còn phải mua thêm của Nhà nước hàng chục tấn lương thực; ngoài ra, Nhà nước còn phải trợ cấp cho hàng chục gia đình. Hợp tác xã Hoàng Phê có 59,04 héc ta, bình quân đầu người hơn 0,1 héc ta, có điều kiện phát triển màu, nhưng lại chỉ cấy toàn lúa chiêm chính vụ, trồng rất ít khoai, đàn lợn không phát triển lên được. Năm 1967, sau khi được cấp trên đồng ý, Hồng Hưng đã hợp nhất các hợp tác xã nhỏ thành một hợp tác xã quy mô toàn xã lấy tên là hợp tác xã Phương Hồng. Hợp tác xã Phương hồng có 915 hộ, 4.225 nhân khẩu, 1.375 lao động, 340 héc ta canh tác. Vấn đề đặt ra cho hợp tác xã Phương Hồng là phải định ra một phương hướng sản xuất thế nào cho phù hợp với một nơi có diện tích canh tác rộng lớn, có cả đồng trũng, đồng cao, đồng vàn; có cả đất thịt, đất cát, đất cát pha; với một đội quân lao động hàng nghìn người, để vừa không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, vừa đáp ứng được tốt yêu cầu của Nhà nước.
Được sự giúp đỡ của cấp trên, đảng ủy đã tổ chức nghiên cứu đường lối phát triển kinh tế của Đảng, học tập những nghị quyết của tỉnh và của huyện trong toàn đảng bộ và tiến hành tổng kết kinh nghiệm thâm canh đạt hơn 5 tấn thóc một héc ta của hợp tác xã Hoàng Xá. Sau một thời gian nghiên cứu, thảo luận rất kỹ những yêu cầu của cấp trên, phân tích cụ thể điều kiện đất đai và lao động của hợp tác xã, tính toán tỉ mỉ từng mặt và từng khâu cân đối trong sản xuất, đảng ủy đã rút ra được một số kết luận ban đầu: để bảo đảm được yêu cầu của Nhà nước, bảo đảm được đời sống của nhân dân, Hồng Hưng phải có hơn 1.000 tấn thóc 1 năm (năm 1966 mới có 516 tấn). Muốn thế, phải quyết tâm cấy hết diện tích, kể cả diện tích chân mạ, ra sức quay vòng tăng vụ, đưa hệ số sử dụng ruộng đất lên hơn 2,4 đồng thời thực hiện tốt các biện pháp thâm canh, đạt năng suất lúa bình quân trên 5 tấn 1 héc ta. Trước hết, phải tập trung làm tốt công tác thủy lợi, cải tạo đồng ruộng, đào đắp hàng vạn mét khối đất, chủ động giải quyết việc tưới nước và tiêu nước; phải đẩy mạnh chăn nuôi lợn, đưa đàn lợn lên hai, ba nghìn con để tăng số phân chuồng lên hơn 8 tấn một héc ta, phát triển bèo dâu và tích cực lấy phân bùn; cấy giống lúa mới có năng suất cao trên 100% diện tích và thực hiện xen canh gối vụ. Đồng thời tổ chức, quản lý tốt lao động để thực hiện mục tiêu một lao động là một héc ta gieo trồng. Với số lao động dôi ra, phát triển một số ngành nghề thích hợp với khả năng và điều kiện của địa phương, vừa phục vụ cho sản xuất, vừa nâng cao đời sống của nhân dân.
Ví dụ: với 15 ki lô mét đường giao thông trong xã, Hồng Hưng có thể trồng hàng chục vạn cây lấy gỗ để bán cho Nhà nước, thu về hàng 40 - 50 nghìn đồng và phục vụ cho việc xây dựng hợp tác xã. Với 8,28 héc ta hồ ao, 7,2 héc ta sông và mấy chục héc ta ruộng trũng đã khoanh vùng, hợp tác xã có khả năng đẩy mạnh việc nuôi cá, hằng năm có thể thu hoạch hàng trăm nghìn đồng, v.v...
Đảng ủy đã đem ý kiến đó bàn bạc với nhân dân. Rất nhiều ý kiến tán thành chủ trương của đảng ủy và chỉ ra thêm những điều bất hợp lý trong sản xuất mà trước đây một số thôn mắc phải, đồng thời bổ sung thêm những biện pháp thực hiện. Nhưng cũng có người còn muốn giữ lại lối làm ăn cũ, không tin vào các biện pháp kỹ thuật và giống lúa mới, hoặc cho rằng việc thâm canh, tăng vòng quay vụ, cấy hết diện tích chân mạ, phát triển chăn nuôi lợn tập thể là tốn nhiều sức, mất nhiều công, lãi chẳng bù được lỗ. Có đồng chí vẫn muốn tiếp tục trồng cà chua hoặc đỗ mà không thích trồng khoai lang, cho rằng cà chua, đỗ có giá trị kinh tế cao, Nhà nước cần mua nhiều. Nhiều cuộc thảo luận đã diễn ra rất sôi nổi.
Với tinh thần chỉ bàn tiến, không bàn lùi, thiết thực, đảng ủy đã đem kinh nghiệm thành công của hợp tác xã Hoàng Xá và kinh nghiệm chưa thành công của hợp tác xã Cát Tiền để phân tích, thuyết phục, đồng thời cử người đi tham quan học tập kinh nghiệm thâm canh và chăn nuôi của một số hợp tác xã bạn như Đại Xuân, Ô Mễ, La Xá, v.v... Cuối cùng những chủ trương của đảng ủy đã được toàn đảng bộ nhất trí và được đại hội đại biểu xã viên chính thức thông qua.
Có được một phương hướng sản xuất đúng đắn, rồi đảng bộ Hồng Hưng đã nghiên cứu sắp xếp đội ngũ cốt cán, phân công cán bộ, đảng viên phụ trách những công việc thích hợp, sao cho phong trào ở các thôn, các đội sản xuất tiến lên một cách đồng đều và mạnh mẽ, bảo đảm thực hiện tốt phương hướng sản xuất đã đề ra. Các cán bộ chủ chốt do tập thể đảng bộ và đại hội xã viên lựa chọn, bình bầu, hầu hết là những đồng chí hăng hái, chịu khó suy nghĩ, học hỏi, mạnh dạn sáng tạo, lại có kinh nghiệm lãnh đạo, liên hệ tốt với quần chúng, được đông đảo đảng viên và nhân dân tín nhiệm.
Mỗi đồng chí đảng ủy viên trực tiếp phụ trách một chi bộ, mỗi chi ủy viên trực tiếp phụ trách một đội sản xuất. 65% số đảng viên được phân công làm trong khu vực gieo cấy, 15% số đảng viên làm trong các ngành nghề phụ, 10% số đảng viên làm công tác chăn nuôi, 10% số đảng viên phụ trách một số công tác khác. Các mặt và các khâu công tác cơ bản đều có đảng viên phụ trách. Tùy từng lúc, tùy từng khâu công tác đột xuất, đảng ủy lại cử những cán bộ có năng lực khá kèm cặp những cán bộ còn ít kinh nghiệm, tổ đảng và đội sản xuất có kế hoạch phối hợp công tác nhịp nhàng với nhau. Đảng ủy đề nghị ban quản trị hợp tác xã tiến hành phân công định mức lao động cho từng loại cán bộ, đảng viên. Trong một tháng cán bộ chủ chốt phải bảo đảm trực tiếp lao động được 10 công, cán bộ phụ trách các ngành 15 công, đảng viên thường phải bảo đảm một số công của một lao động tiên tiến. Mỗi gia đình cán bộ, đảng viên phải thường xuyên nuôi 2 con lợn, bảo đảm hoàn thành vượt mức nghĩa vụ thực phẩm.
Đảng ủy kiên quyết chống tư tưởng lãnh đạo chung chung, khắc phục tình trạng cán bộ, đảng viên xa rời lao động, chạy quanh hợp tác xã. Do có những quy định chặt chẽ như vậy mà mấy năm qua ở Hồng Hưng, cán bộ và đảng viên đã phát huy được tinh thần xung phong gương mẫu, miệng nói tay làm, không ngại khó khăn, gian khổ.
Năm 1970, trong số 134 đảng viên đã có 102 đồng chí (chiếm 76,9% tổng số đảng viên) làm vượt mức số ngày công quy định, được bầu là lao động tiên tiến, 100% số gia đình đảng viên nuôi lợn vượt mức quy định, trong đó có 60% số gia đình vượt mức khá cao. Năm 1968, trong số 682 ý kiến của quần chúng phê bình cán bộ, đảng viên thì có 211 ý kiến phê bình đảng viên thiếu gương mẫu lao động, nhưng năm 1970 chỉ còn rất ít ý kiến phê bình về mặt này.
Qua thực tế công tác, đảng ủy Hồng Hưng nhận thấy rằng trình độ thấp kém về văn hóa, khoa học kỹ thuật, về năng lực quản lý kinh tế của đảng viên ở Hồng Hưng là một trở ngại cho việc lãnh đạo phát triển sản xuất ở một hợp tác xã có quy mô tương đối lớn. Do đó, bên cạnh việc giáo dục nâng cao phẩm chất đạo đức, đảng ủy đã rất coi trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao trình độ văn hóa, kỹ thuật, năng lực công tác cho đảng viên.
Ngoài ra, thực hiện tốt các kế hoạch học tập trung của huyện và thường xuyên cử người đi học các lớp huấn luyện do trên mở, đảng ủy còn giữ vững chế độ học tập tại chức và đưa đảng viên vào rèn luyện trong thực tế lao động, công tác. Mỗi tháng, đảng ủy tổ chức học tập một lần về một vấn đề nào đó thì tùy yêu cầu công tác của địa phương. Trước khi làm vụ lúa thì học sinh lý cây lúa, các biện pháp gieo trồng; trước khi bàn phương án phân phối thì học chính sách lương thực, nguyên tắc thu chia, v.v... Có khi dùng hình thức sinh hoạt câu lạc bộ bàn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Có khi dùng hình thức hội nghị chuyên đề thảo luận vì sao trước đây sản xuất của hợp tác xã không phát triển mạnh, nhằm qua đó giới thiệu tầm quan trọng của việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Hợp tác xã mở hội thi tài: thi cày, cấy nhanh; thi cắt lúa, xén lúa giỏi. Đoàn thanh niên tổ chức tập huấn kỹ thuật, bồi dưỡng cho thanh niên cách làm bèo dâu, xử lý giống mới, cấy lúa theo lối mới... Đảng viên cùng với đoàn viên nhận làm ruộng cao sản, mỗi đảng viên phụ trách chăm sóc 2 sào bèo dâu... Đảng ủy còn đề nghị với ban bổ túc văn hóa của xã thường xuyên đôn đốc kiểm tra, có biện pháp giữ vững các lớp bổ túc văn hóa, và quyết định các đảng viên phải gương mẫu theo học đều.
Với rất nhiều hình thức như vậy, đảng bộ Hồng Hưng đã tạo ra được một không khí học tập văn hóa và kỹ thuật khá sôi nổi. Cho đến nay, ở Hồng Hưng có 50% số đảng viên có trình độ văn hóa cấp II, 50% có trình độ cấp I. Cả xã có 2 cán bộ trung cấp thú y, 1 cán bộ trung cấp chăn nuôi và một mạng lưới cán bộ thú y có trình độ sơ cấp ở các đội sản xuất. Sắp tới, đảng bộ Hồng Hưng còn tiếp tục đẩy mạnh công tác này, coi đây là một mặt công tác rất quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của đảng bộ và sự phát triển sản xuất của hợp tác xã.
Khắc phục những thiếu sót trước đây thường mắc phải, đảng bộ Hồng Hưng, trong quá trình chỉ đạo sản xuất, đã nêu cao quyết tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, và có những biện pháp táo bạo, mà vững chắc. Khi hợp tác xã mới lên quy mô toàn xã, trình độ tổ chức và quản lý cán bộ còn chưa đáp ứng kịp yêu cầu, cơ sở vật chất và kỹ thuật còn nghèo, tư tưởng nhân dân chưa ổn định, trời rét lại kéo dài.
Trong tình hình đó, đảng ủy đã tính toán kỹ những điều kiện và khả năng của xã, và vẫn quyết tâm lãnh đạo hợp tác xã phấn đấu đạt năng suất lúa 33 tạ một héc ta trong vụ chiêm và 63 tạ một héc ta trong cả năm. Về chăn nuôi, đảng ủy chủ trương mạnh dạn đầu tư vào việc chăn nuôi lợn, bỏ ra 30.000 đồng để xây dựng chuồng trại, 12.000 đồng để mua lợn giống, và bớt hẳn 7,8% diện tích canh tác để trồng cây thức ăn cho lợn, quyết tâm trong một thời gian ngắn đưa đàn lợn của hợp tác xã lên hơn 2.000 con. Đảng ủy đề nghị hợp tác xã lập ra một quy trình lao động, thực hiện tốt chế độ “ba khoán”, phân công, định mức rõ ràng, có lịch canh tác cụ thể và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc.
Có những đồng chí cán bộ tận tụy, quên mình vì công việc chung như đồng chí Lưu (Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ nhiệm hợp tác xã). Khi chăn nuôi chưa có kinh nghiệm, lợn nuôi ngày một bé đi, đồng chí Lưu đã trực tiếp ra trại chăn nuôi một tháng băm bèo, thái rau, nghiên cứu, rút kinh nghiệm, bổ sung cho phương pháp chăn nuôi và chế độ “ba khoán”. Có lần, ở một đội sản xuất, phong trào lao động sản xuất không lên, thợ cày chỉ cày được 1 sào 1 ngày, đồng chí đã nắm cơm sang thôn đó cày chung với anh em. Đồng chí cày được 5 sào 1 ngày. Sau đó họp thợ cày lại rút kinh nghiệm, đưa năng suất cày bình quân lên hơn 3 sào 1 ngày.
Tháng 8/1968, liên tiếp hai cơn bão số 4 và số 7 đã làm đổ hơn 200 gian chuồng lợn, 136 con lợn chết, 90% số chuồng lợn của xã viên bị đổ, bị trốc, hơn 50 héc ta lúa bị úng lụt, trong nhân dân có nhiều người lo lắng, hoang mang, một số đảng viên nảy sinh tư tưởng trông chờ vào cấp trên giúp đỡ. Đảng ủy đã kịp thời họp bàn, chuẩn bị kế hoạch, một mặt động viên tư tưởng nhân dân, một mặt bố trí phân công cụ thể, quyết tâm khắc phục tốt những hậu quả tai hại đó, bảo đảm tiếp tục phát triển chăn nuôi và đẩy mạnh sản xuất. Kết quả năm 1968 hợp tác xã vẫn đạt 7,1 tấn thóc một héc ta, 3,8 con lợn trên một héc ta gieo trồng, nâng cao được mức ăn của nhân dân, hoàn thành vượt mức nghĩa vụ lương thực và thực phẩm đối với Nhà nước.
Đảng ủy Hồng Hưng còn đề ra chế độ thưởng, phạt công minh nhằm động viên nhân dân hăng hái lao động sản xuất và phát triển chăn nuôi. Ngay từ năm 1967, tiếp thu đề nghị của đảng ủy, hợp tác xã đã bớt ra 3 tấn thóc để thưởng cho những đội hoàn thành vượt mức kế hoạch hợp tác xã giao. Trong từng khâu công tác cụ thể, hợp tác xã đều có biện pháp khuyến khích đúng mức. Ví dụ: để khuyến khích các đội cấy hết diện tích chân mạ, hợp tác xã chỉ thu 50% số thóc trên các chân ruộng đó, còn 50% do đội quản lý; để khuyến khích phong trào nuôi lợn, hợp tác xã bán thêm thóc và khoai cho những gia đình nuôi thêm lợn ngoài nghĩa vụ...
Hằng năm hợp tác xã quyết toán, đội nào hoàn thành vượt mức kế hoạch được thưởng 80% số tăng và đội nào không hoàn thành kế hoạch bị phạt 50% số hụt. Do đó mà phong trào lao động sản xuất lên rất mạnh, đàn lợn của hợp tác xã tăng nhanh. Có những gia đình như gia đình bà Sử, gia đình bà Trung nuôi tới 22 con, bán cho Nhà nước gần 1 tấn thịt lợn 1 năm. Cho đến nay, những chế độ, định mức sản xuất và chăn nuôi đã tương đối ổn định và đi vào nền nếp, góp phần động viên nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, tạo ra năng suất lao động ngày càng cao.
Hiện nay đảng bộ xã Hồng Hưng đang lãnh đạo hợp tác xã quyết tâm phấn đấu tiến lên thực hiện 3 mục tiêu: 10 tấn thóc một héc ta, 5 con lợn trên một héc ta gieo trồng và 1 lao động làm một héc ta gieo trồng. Nếu phát huy tốt những kinh nghiệm đã có, đồng thời ra sức làm tốt hơn nữa công tác giáo dục, bồi dưỡng, nhất là bồi dưỡng để nâng cao hơn nữa trình độ tư tưởng, trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật, năng lực tổ chức, quản lý kinh tế cho cán bộ, đảng viên, không thỏa mãn với thành tích đã đạt được, thì nhất định đảng bộ Hồng Hưng sẽ thực hiện được điều mong muốn của mình, làm rạng rỡ hơn nữa truyền thống tốt đẹp của địa phương.
PHÚ TRỌNG