Ngoại trưởng hai nước Armenia và Azerbaijan cùng với đặc phái viên của Pháp, Nga và Mỹ đã nhất trí các biện pháp nhằm tháo gỡ xung đột tại khu vực Nagorny-Karabakh.
Binh sỹ Armenia nã pháo về phía lực lượng Azerbaijan tại khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh ngày 25.10.2020
Tại cuộc gặp ở Geneva (Thụy Sĩ), ngày 30.10, Ngoại trưởng hai nước Armenia và Azerbaijan cùng với đặc phái viên của Pháp, Nga và Mỹ đã nhất trí các biện pháp nhằm tháo gỡ xung đột tại khu vực Nagorny-Karabakh, song không đề cập cam kết ngừng bắn mới.
Pháp, Nga và Mỹ là ba đồng chủ tịch Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) làm trung gian hòa giải xung đột tại Nagorny-Karabakh.
Theo một tuyên bố chung đưa ra sau cuộc gặp, Armenia và Azerbaijan nhất trí không nhằm vào dân thường hoặc các mục tiêu phi quân sự ở Nagorny-Karabakh, phù hợp với luật nhân đạo quốc tế.
Hai bên cũng đồng ý tìm kiếm và trao đổi thi thể những người thiệt mạng trên chiến trường; đồng thời trong vòng một tuần sẽ cung cấp danh sách tù binh cho Tổ chức Chữ thập Đỏ để tiến hành trao đổi.
Tuyên bố cũng nêu rõ sau 3 lệnh ngừng bắn thất bại, Armenia và Azerbaijan sẽ liên lạc bằng văn bản và trao đổi về việc thiết lập các "cơ chế xác minh việc thực thi ngừng bắn".
Nhóm Minsk cũng kêu gọi hai bên thực hiện thỏa thuận ngừng bắn trước đó, nhấn mạnh "các đồng chủ tịch Nhóm Minsk sẽ tiếp tục phối hợp tích cực với các bên để tìm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này".
Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia.
Điều này đã châm ngòi cho những tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2.1988 đến tháng 5.1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng.
Căng thẳng tái bùng phát từ sáng 27.9 vừa qua sau khi nổ ra các vụ đụng độ ác liệt giữa hai bên, đến nay đã khiến hàng trăm người thiệt mạng. Các bên trung gian quốc tế đang nỗ lực hòa giải các bên xung đột tại khu vực này.
Theo Vietnam+