Từ xưa, nghề “gõ đầu trẻ” đã được xã hội trân trọng và xem là một nghề cao quý. Người chỉ cần có học thức, uy tín đã được người dân gởi gắm con em dạy dỗ, giáo huấn.
Ngày nay, sự đổi mới, tiến bộ của xã hội đã khiến những người theo nghề “gõ đầu trẻ” phải chịu nhiều áp lực hơn.
Nhiều giáo viên hiện nay “than” rằng, sự thay đổi liên tục của cách dạy, tiếp cận giáo dục khiến các thầy cô luôn trong tâm trạng lo lắng. Bởi, để tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông mới, họ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trước hết, giáo viên phải thích nghi với những điểm mới nổi bật của chương trình. Những điểm mới này đòi hỏi giáo viên phải trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp, lẫn kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động dạy học… Để thích nghi được, các thầy cô phải luôn tự học tập, nghiên cứu, tìm tòi giải pháp để có thể truyền đạt kiến thức một cách tốt nhất cho học trò, bởi kết quả giáo dục phản ánh sự đầu tư và năng lực của người thầy.
Hơn nữa, trong xã hội hiện đại ngày nay, người thầy bị xã hội và cha mẹ học sinh đặt trên vai một nhiệm vụ nặng nề, đó là giáo dục học sinh, con em của họ thành những con người tài giỏi, trí đức. Sự kỳ vọng đó khiến trách nhiệm của người thầy trong bối cảnh hiện nay nặng nề hơn bao giờ hết.
Không chỉ chịu áp lực về việc thay đổi phương pháp giảng dạy, nhà giáo hiện cũng đang phải chịu áp lực từ các quy định của Luật Giáo dục mới 2019; từ nhà trường, phụ huynh và cả học sinh.
Theo đó, nhiều quy định mới theo hướng “mở” và tôn trọng quyền trẻ em, quyền công dân đối với học sinh đã khiến nhiều giáo viên cảm thấy “bất lực”, rồi dần bất mãn với nghề của mình. Chẳng hạn như quy định giáo viên không được phê bình, quở trách, phạt, xử lí kỉ luật học sinh dù học sinh có phạm lỗi… Thậm chí, nhiều học sinh “cá biệt”, quậy phá trong lớp nhưng giáo viên cũng không dám tự ý xử phạt hay “nói nặng” vì như thế sẽ sai quy định, vi phạm đạo đức nghề giáo; còn nếu áp dụng những cách giáo dục cũ, sẽ dễ xảy ra mâu thuẫn giữa phụ huynh và giáo viên, nhà trường… Làm sao cho chu toàn trong việc truyền đạt văn hoá và xây dựng nền tảng đạo đức cho học sinh là những băn khoăn mà thầy cô đang phải đối mặt và không phải thầy cô nào cũng có thể “chịu đựng” được.
Đó là những khó khăn gián tiếp, còn khó khăn trực tiếp hiện nay là thu nhập của nhà giáo hiện vẫn còn khá thấp, nên việc những giáo viên trở nên kém nhiệt tình với công tác giảng dạy hoặc bỏ nghề luôn là điều thường xuyên xảy ra.
Đơn cử, một giáo viên THPT có thâm niên giảng dạy khoảng 15 năm sẽ có mức lương bậc 5 với hệ số 3.66, cộng tất cả các khoản trợ cấp, phụ cấp chức vụ (nếu có), phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp thì tổng thu nhập hàng tháng chỉ vỏn vẹn khoảng 7 triệu đồng. Vậy, đối với giáo viên mới ra trường hoặc giảng dạy dưới 5 năm thì làm sao có thể nuôi gia đình so với mức sống hiện nay?
Dẫu biết rằng, muốn trở thành một nhà giáo, ngoài việc tôi luyện rất nhiều về mặt kiến thức, kỹ năng chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm… thì còn phải có “tâm” và “đức” để có thể hoàn thành sứ mệnh dẫn dắt, truyền dạy kiến thức, nhân cách cho học sinh. Tuy nhiên, nhà giáo họ cũng còn có gia đình, con cái, áp lực cuộc sống cần giải quyết nên nếu được hỗ trợ tốt hơn về thu nhập, chính sách tiền lương thì đội ngũ thầy cô sẽ yên tâm để cống hiến tâm và trí hơn với nghề.
Hầu hết những nhà giáo đều cho rằng, nghề giáo viên vô cùng khó khăn và gian khổ. Làm giáo viên, không có nghĩa là chỉ đơn thuần truyền dạy kiến thức trong phạm vi sách vở mà người giáo viên tốt phải luôn bám sát học sinh của mình để theo dõi tiến trình phát triển của các em; phải theo dõi cả cuộc sống của các em để có phương hướng giúp các em hình thành nhân cách. Nói cách khác, nhà giáo như những bậc cha mẹ thứ hai của học sinh trong thời gian ngồi trên ghế nhà trường. Chính vì thế, mặc dù vẫn có nhiều áp lực, không ít nhà giáo vẫn cảm thấy tự hào khi gắn bó với nghề; vẫn giữ được cái “tâm sáng” để truyền dạy những “điều hay lẽ phải” cho các thế hệ học trò.
Nhiều nhà giáo khi được hỏi đã khẳng định rằng họ vẫn yêu nghề, yêu học trò, nhưng nếu như giảm bớt áp lực từ ngành giáo dục, từ phụ huynh và Nhà nước có thêm chính sách tiền lương để những người đã và đang cống hiến an tâm với sự nghiệp trồng người.
MINH THUYẾT