Mẹo vặt

7 bí quyết Tết nhẹ nhàng, không cập rập đủ thứ việc

H.A (Theo Tuổi trẻ) 28/01/2024 08:15

Nhiều người thường cận Tết mới dọn dẹp nhà cửa, mua sắm, làm đẹp. Có người chiều 30 Tết - thậm chí sát giờ giao thừa - vẫn đầu bù tóc rối vì việc nhà chưa xong.

Dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp lại tủ sách trước Tết - Ảnh: NGÂN HÀ

Dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp lại tủ sách trước Tết

Dưới đây là những bí quyết chuẩn bị Tết nhẹ nhàng mà vẫn trọn vẹn, ấm cúng.

Cho tặng, loại bỏ đồ đạc hư cũ

Nhà ai cũng có kho đồ cũ như máy móc, quần áo cùng hàng trăm thứ không tên khiến căn nhà chật chội. "Tôi dành 2 - 3 buổi tối trong tuần để xếp gọn tủ quần áo, những bộ nào để hoài không mặc dù còn mới vẫn đem cho. Túi xách, giày dép cũng vậy", chị Trang Nhung (30 tuổi, ngụ đường Trần Quang Diệu, quận Phú Nhuận, TP.HCM) chia sẻ.

Theo chị, việc loại bỏ đồ cũ giúp ngôi nhà thoáng và gọn gàng hẳn. Chúng ta có thể cho tặng bạn bè, người thân, các hội nhóm nhận đồ cũ.

Bảo trì xe là việc nên làm sớm trước Tết - Ảnh: YẾN TRINH

Bảo trì xe là việc nên làm sớm trước Tết

Bảo trì xe từ sớm

Cận Tết, các tiệm sửa xe, cơ sở bảo dưỡng thường đông nghẹt khách và bạn phải chờ lâu. Thay vì vậy, trong tuần trước Tết bạn nên đem xe thay nhớt, kiểm tra máy móc, thay mới những thiết bị quá cũ.

Việc này nếu làm sớm chỉ tốn của bạn một vài tiếng đồng hồ tùy tình trạng xe.

Thuê người giúp việc theo giờ

Nếu công việc quá bận rộn, chúng ta có thể thuê dịch vụ dọn vệ sinh theo giờ hoặc theo gói. Chi phí dọn dẹp nhà cửa theo giờ ngày thường khoảng từ 70.000 đồng/giờ hoặc tính theo diện tích, tùy yêu cầu của khách. Ngày Tết giá sẽ tăng nhưng so với việc tự bỏ thời gian dọn dẹp thì thuê dịch vụ vẫn khỏe hơn.

Do vậy, bạn nên đặt lịch dọn nhà từ sớm.

Chăm sóc cây kiểng đừng đợi cận Tết mới làm - Ảnh: YẾN TRINH

Chăm sóc cây kiểng đừng đợi cận Tết mới làm

Chia hạng mục sắp xếp, dọn dẹp

Đừng bao giờ ôm việc một mình. Bạn nên chia sẻ với người nhà, chia các phần việc rải rác trước Tết.

Việc sắp xếp kệ sách, treo vật trang trí… có thể chia ra mỗi người một việc và có thời hạn hoàn thành cụ thể. Ví dụ, việc giặt vỏ gối, chăn mền nên làm một tuần trước Tết.

Việc tỉa tót cây kiểng, bón phân, bạn nên làm sớm. Với việc tỉa cành, nếu cận ngày bạn chỉ nên tỉa sơ qua vì cây sẽ không kịp ra hoa lá trong Tết.

Những ai có con em độ tuổi tiểu học, có thể khuyến khích bé tự sắp xếp đồ đạc trong phòng riêng, loại bỏ món đồ không dùng tới, phụ ba mẹ chăm cây cảnh.

Mua sắm hợp lý

Từ trước tháng chạp, các nhãn hàng thời trang đã rộn ràng hàng Tết, nhất là các trang bán online. Bạn nên săn đồ sớm để mẫu mã đa dạng và giá phải chăng. Cận Tết giá tăng, không còn size hay màu để lựa chọn.

Khó nghĩ khi mua sắm, bạn có thể đề ra ngày mùng một mặc gì, tương tự với hai mùng còn lại. Không cần mua mới nhiều đồ, tận dụng đồ còn đẹp và hợp ngày Tết là cách giúp bạn đỡ tốn thời gian, chi phí.

Dành thời gian làm đẹp, chăm sóc bản thân để đón năm mới vui vẻ, xinh đẹp - Ảnh: YẾN TRINH

Dành thời gian làm đẹp, chăm sóc bản thân để đón năm mới vui vẻ, xinh đẹp

Quyết định kiểu tóc từ sớm

Làm tóc, chăm sóc da… là những đầu mục không thể thiếu đối với nhiều chị em. Bạn nên chọn kiểu tóc từ sớm, giao cho nơi làm đẹp thân quen để an tâm. Đừng để cận Tết và chọn một nơi lạ hoắc, không ưng ý bạn sẽ không có thời gian làm lại.

Nếu bận rộn, bạn chỉ cần chọn kiểu tóc đơn giản, chọn gói massage mặt tẩy tế bào chết, chăm sóc móng và mua cây son tươi tắn là đủ cho ngày đầu năm rạng rỡ.

Đừng cố gắng hoàn hảo

Ngôi nhà tươm tất cùng những món Tết vừa miệng đã xứng đáng 10 điểm rồi. Bạn đừng nên đặt yêu cầu quá cao khi chuẩn bị Tết, như chưa thay được rèm cửa mới thì stress cả ngày vì thấy mình thiếu sót.

Việc dọn dẹp nhà cửa, làm đẹp bản thân nếu đạt khoảng 70% trở nên xem như thành công. Phần còn lại là chuẩn bị tinh thần thoải mái cho Tết thôi bạn nhé!

Chị Võ Bích Vân (35 tuổi, ngụ đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TP.HCM) cho biết đang nghỉ việc ở nhà chăm con gần một tuổi. "Mấy năm trước chưa có con nhỏ nhưng Tết đến là tôi thở không ra hơi. Nào là dọn bỏ bớt đồ cũ, sắm sửa đồ đạc, chuẩn bị món ăn, về nhà ba mẹ phụ dọn dẹp. Tôi không có thời gian đi uốn tóc, làm móng…", chị nói.

Năm nay, đầu tháng chạp, chị tính toán đầu việc nào sẽ làm vào ngày nào trước Tết. Chị kể: "Tranh thủ buổi tối cơm nước xong, hai vợ chồng đi mua quần áo mới cho gia đình nhỏ. Mấy bữa nay chúng tôi quét trần nhà, lau cửa, thay đất chậu cây".

H.A (Theo Tuổi trẻ)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    7 bí quyết Tết nhẹ nhàng, không cập rập đủ thứ việc