Theo báo cáo của Chính phủ, đã có 54 cán bộ bị xử lý do không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.
Sáng 6/9, Ủy ban Tư pháp tiến hành phiên họp toàn thể thẩm tra các báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Trước đó, Chính phủ đã có báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2023 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chính phủ nhấn mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn, để lại dấu ấn tốt, củng cố thêm niềm tin nhân dân.
Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được đẩy mạnh, thường xuyên rà soát, điều chỉnh phù hợp với thực tế; nhiều biện pháp phòng ngừa đã phát huy hiệu quả.
Cụ thể, việc công khai, minh bạch và thực hiện trách nhiệm giải trình trong tổ chức, hoạt động của cơ quan, đơn vị nhất là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng có chuyển biến tích cực.
Các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 11.056 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch (tăng 33,2% so với năm 2022), phát hiện 77 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm.
6.374 cuộc kiểm tra việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ đã được các bộ, ngành, địa phương tiến hành.
Qua đó, phát hiện 300 vụ việc và 439 người vi phạm (tăng 28% số vụ và 38,1% số người vi phạm so với năm 2022); đã xử lý hành chính 129 người; chuyển xử lý hình sự 2 người; kiến nghị thu hồi 45,2 tỉ đồng.
Công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức, thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội được quan tâm, chú trọng.
Cũng theo báo cáo, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 7.651 cơ quan, tổ chức, đơn vị; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 893 cán bộ, công chức, viên chức.
Số trường hợp cán bộ vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp tăng 71,5% so với năm trước.
Đáng chú ý, năm 2023, có 23 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với số tiền 93 triệu đồng. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước 19 người, TP Hồ Chí Minh 1 người, Đà Nẵng 3 người.
Chính phủ cho biết các cấp, ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng 37.474 lượt cán bộ, công chức, viên chức (tăng 86,4% so với năm 2022).
Vấn đề kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được thực hiện tích cực, nghiêm túc.
Theo số liệu, vào cuối năm 2022, đã có 60.458 người kê khai tài sản, thu nhập lần đầu; 545.535 người kê khai tài sản, thu nhập hằng năm; 44.015 người kê khai bổ sung; 161.928 người kê khai tài sản thu nhập phục vụ công tác cán bộ; 655.299 người đã được công khai bản kê khai tài sản thu nhập.
Từ 8-2-2022 đến 30-4-2023, các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành xác minh tài sản, thu nhập 13.093 người; có 2.664 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn so với quy định….
Đặc biệt, các cơ quan đã xử lý 54 người do không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm (xóa tên khỏi danh sách ứng cử; kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo; kỷ luật bằng hình thức cách chức…).
Chính phủ khẳng định năm 2023 đã kiên quyết làm rõ, quy trách nhiệm chính trị của người đứng đầu để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong lĩnh vực được phân công quản lý, phụ trách.
Theo báo cáo của các bộ, ngành, các địa phương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan, có 39 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng (tăng 105,2% so với năm 2022).
Cụ thể, có 11 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đã bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.
28 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng (trong đó có 3 người bị khiển trách, 12 người bị cảnh cáo và 13 người bị cách chức).
Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu đã có tác dụng răn đe, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu với phòng chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị phụ trách.
Theo Tuổi trẻ