5 bộ phận này của cá gây nguy cơ ngộ độc rất cao

30/09/2021 11:43

Cá là thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể. Tuy nhiên, không phải bộ phận nào của cá cũng có thể ăn được...

Cá được biết đến như loại thực phẩm không chỉ có hàm lượng dinh dưỡng rất cao như protein, vitamin, mà lượng chất béo lại thấp, ăn nhiều cũng không béo.

Chính vì vậy, đây luôn loại thực phẩm được coi là lành mạnh, ưu tiên lựa chọn trong các bữa cơm gia đình. Các bà nội trợ luôn đặc biệt chú trọng bổ sung cá vào bữa ăn hàng ngày để tăng cường sức khỏe cho gia đình.

Tuy nhiên, không phải bộ phận nào của cá cũng có thể ăn được, đặc biệt là 5 bộ phận dưới đây bởi có rất nhiều độc tố, trước khi nấu cần loại bỏ hoặc xử lý kỹ càng.

Đầu cá, nội tạng, dịch đen và mắt cá... là những bộ phận chứa rất nhiều độc tố, trước khi nấu cần loại bỏ hoặc xử lí sạch sẽ.

1. Màng nhầy trên thân cá

Phần bên ngoài da cá có một lớp màng nhầy bao phủ nên có chứa một lượng lớn vi khuẩn và các chất bẩn. Vì vậy, nhất định phải dùng dao cạo sạch lớp dịch nhầy này để loại bỏ chất bẩn bên ngoài con cá.

Bên trong bụng cá cũng có một lớp màng đen, đó là những chất bẩn, bùn lầy tích tụ lại trong quá trình cá hô hấp, ăn uống, do đó ăn vào sẽ rất độc hại.

Khi sơ chế có thể dùng dao nạo sạch lớp dịch đó đi và rửa kỹ, làm như vậy giúp cá sạch sẽ, đồng thời loại bỏ mùi tanh.

Cần loại bỏ lớp màng đen trong bụng cá để khử mùi tanh và chất độc hại.

2. Nội tạng cá

Khi sơ chế cá, ngoài phần mang cá và vảy cá, nội tạng cá cũng không nên giữ lại ăn bởi trong đó ẩn chứa các loại vi khuẩn, ký sinh trùng độc hại, ví dụ như chất alcool. Chất này có thể gây xuất huyết, tổn thương nội tạng con người, nhất là ống thận.

Đặc biệt, cần tránh tuyệt đối không ăn mật cá, bởi lẽ bộ phận này có chứa các hợp chất độc hại như axit cholic và axit hydrocyanic.

Trong Đông y, mật cá là một vị thuốc để chữa trị đau mắt đỏ, đau mật, viêm, lở loét. Dân gian thường truyền tai nhau cách ăn mật cá trực tiếp, ngâm rượu uống để sáng mắt, thanh nhiệt giải độc, tăng cường sức khỏe.

Mật cá có thể gây ngộ độc.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo, ăn mật cá rất dễ gây ra trúng độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt là mật cá trắm, cá chép.

Đối với người lớn, chỉ một vài gram mật có thể gây ngộ độc. Bất luận là ăn sống, nấu chín hay ngâm rượu, các thành phần độc hại trong mật cá sẽ không dễ dàng bị phá hủy.

Tuy nhiên, do ngộ nhận nhiều người đã dùng bộ phận này để chữa bệnh, dẫn tới ngộ độc, sốc nhiễm khuẩn, chảy máu cấp, thậm chí mất mạng. Hiện nay chưa có thuốc điều trị bệnh ngộ độc do ăn mật cá nên tỉ lệ tử vong lên tới hơn 20%.

Ngoại trừ bong bóng cá có thể ăn ra, tất cả những phần nội tạng khác đều được khuyên không nên ăn.

3.Đầu cá

Chắc hẳn có rất nhiều người đều thích ăn đầu cá, tuy nhiên, hiện nay cá là thực phẩm chịu ảnh hưởng lớn từ chất lượng nước và môi trường sinh sống.

Trong khi đó, nhiều vùng sông nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, và đầu cá chính là phần chứa nhiều độc tố được hấp thụ từ nước bẩn. Hơn nữa, trong đầu cá cũng có chứa nhiều vi khuẩn, vi sinh vật độc hại.

Trong trường hợp cá tự nuôi, chất lượng nước nuôi cá đạt chuẩn thì vẫn có thể ăn đầu cá được.

4. Mắt cá

Nhiều người cho rằng trong mắt cá chứa nhiều chất dinh dưỡng, ăn nhiều mắt cá rất tốt cho mắt. Nhưng đây là quan niệm sai lầm.

Hàm lượng chất dinh dưỡng trong mắt cá không cao, hơn nữa mắt cá còn chứa nhiều loại vi khuẩn, vi sinh vật có hại. Mắt cá chứa độc tố có tên gọi Cyprinol sulfat, một acid mật C27.

Ngoài ra, một vài mắt cá có chứa tơ máu hoặc lấm tấm những đốm trắng đều do vi khuẩn, vi sinh vật có hại gây ra.

5. Não cá

Não cá có vị béo ngậy, chứa nhiều axit béo không bão hòa và chất phốt pho lipid. Những chất này đều có lợi cho sức khỏe.

Tuy nhiên, bộ phận này lại có nguy cơ bị nhiễm độc kim loại nặng, thủy ngân rất cao. Các loại cá sống ở môi trường nước bị ô nhiễm, cá sống ở tầng đáy như cá ngừ, cá vược, cá kình, cá kiếm..., mức độ nhiễm độc kim loại và thủy ngân càng tăng lên.

Việc ăn não cá có thể gián tiếp đưa chất độc vào cơ thể . Bởi vậy, tốt nhất cũng nên loại bỏ bộ phận này trong quá trình sơ chế.

Điều quan trọng nhất để đảm bảo sức khỏe là hãy lựa chọn mua những loại cá được nuôi đúng quy trình, sạch sẽ, đảm bảo chất lượng.

Đặc biệt, nên vệ sinh, làm sạch cá đúng theo hướng dẫn trước khi chế biến để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và gia đình bạn.

Theo Giao thông

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    5 bộ phận này của cá gây nguy cơ ngộ độc rất cao