10 nguyên tắc "vàng" để hạn chế ngộ độc thực phẩm

19/10/2021 06:29

Tuân thủ những nguyên tắc giữ an toàn vệ sinh thực phẩm dưới đây sẽ giúp người tiêu dùng hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Chọn thực phẩm tươi mới là nguyên tắc hàng đầu để bảo vệ sức khỏe

Vệ sinh an toàn thực phẩm là tất cả điều kiện, biện pháp cần thiết, từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, phân phối, vận chuyển cũng như sử dụng nhằm đảm bảo cho thực phẩm sạch sẽ, an toàn, không gây hại cho sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.

Tại Việt Nam, trung bình hàng năm có khoảng 180 vụ ngộ độc thực phẩm với khoảng 5.100 người gặp phải, trong đó có trung bình 30 người tử vong do thực phẩm bẩn, kém chất lượng.

Có ba tác nhân gây nhiễm bẩn thực phẩm, đó là tác nhân sinh học, tác nhân hóa học và tác nhân vật lý.

Sử dụng thực phẩm bị ô nhiễm hóa học, sinh học, tùy theo số lượng, mức độ và đặc tính gây ngộ độc của tác nhân gây ô nhiễm, có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm cấp tính hoặc mãn tính và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm như tiêu chảy, kiết lỵ, thương hàn, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm, người tiêu dùng nên chú ý 10 nguyên tắc vàng của Tổ chức y tế thế giới WHO về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chọn thực phẩm an toàn

Chọn thực phẩm tươi mới, thức ăn chế biến sẵn mua tại chợ, siêu thị, phải có tem đảm bảo chất lượng sản phẩm. Sử dụng các sản phẩm ôi thiu, nấm mốc, hết hạn sử dụng hay không rõ nguồn gốc, xuất xứ đều tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nấu chín kĩ thức ăn

Nấu chín kĩ hoàn toàn thức ăn, bảo đảm nhiệt độ bên trong khối thực phẩm phải đạt tới trên 70 độ C. Rất nhiều thực phẩm sống như thịt gia cầm, gia súc, trứng và sữa chưa tiệt trùng có thể ô nhiễm bởi các vi khuẩn gây bệnh. Chính vì vậy, thực phẩm cần phải được đun nấu kỹ trước khi ăn.

Ăn ngay sau khi nấu

Hãy ăn ngay sau khi vừa nấu xong vì để lâu thức ăn càng dễ bị nhiễm vi khuẩn có hại cho sức khỏe. Một số món ăn nếu ăn ngay sau khi nấu thì sẽ hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng hơn so với để nguội.

Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín

Cần phải giữ nóng liên tục trên 60 độ C hoặc lạnh dưới 5 độ C. Trước khi cất sản phẩm, cần phân loại thực phẩm, để nguội thực phẩm rồi sau đó bọc kín thức ăn rồi mới cho vào tủ lạnh.

Nấu lại thức ăn thật kĩ

Thức ăn nên ăn trong vòng 2 giờ sau khi nấu. Sau 2 giờ bảo quản ở nhiệt độ thường phải đun lại thức ăn trước khi ăn.

Tránh nhiễm khuẩn chéo giữa thức ăn chín và sống

Thức ăn được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn. Do vậy, chú ý để riêng thực phẩm chín tách biệt với thực phẩm sống để tránh lây nhiễm vi khuẩn.

Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và trước khi ăn

Cần để tay sạch sẽ khi chế biến thức ăn và trước khi ăn. Tay là bộ phận chứa nhiều vi khuẩn. Nếu không rửa sạch tay thì sẽ dễ bị nhiễm khuẩn trong quá trình nấu và sử dụng thực phẩm.

Giữ vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ chế biến ăn uống

Bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch sẽ. Các loại muỗng, dao, kéo, thìa, bát, đũa... đều phải được vệ sinh sạch sẽ khi sử dụng để chế biến và đựng thực phẩm.

Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác

Nên giữ thực phẩm trong hộp kín và đậy cẩn thận trong chạn, tủ kính, lồng bàn.

Sử dụng nguồn nước sạch an toàn

Lựa chọn sử dụng nguồn nước sạch an toàn. Sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày cũng là cách để nâng cao sức khỏe, bảo vệ an toàn cho cả gia đình.

Theo VTC New

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    10 nguyên tắc "vàng" để hạn chế ngộ độc thực phẩm