Phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và người dân

11/07/2018 13:45

Ý kiến thảo luận của đồng chí Nguyễn Quang Phúc, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch MTTQ tỉnh Hải Dương tại kỳ họp thứ sáu HĐND tỉnh khoá XVI.


Đồng chí  Nguyễn Quang Phúc, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch MTTQ tỉnh

Ngày 9.12.2011, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 22 phê chuẩn Chương trình phát triển nhà ở đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020

Lúc đó chương trình chỉ gói gọn trong phạm vi nhà ở đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, còn Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Hải Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 có quy mô toàn diện hơn gồm các loại nhà ở thành thị, nông thôn, công nhân, sinh viên và các tầng lớp xã hội khác, kết nối để hình thành tổng thể hệ thống chương trình phát triển nhà ở quốc gia.

Tuy nhiên, đến nay tỉnh ta chưa tổng kết đánh giá xem Chương trình phát triển nhà ở đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 đã được thực hiện thế nào, đạt kết quả ra sao, có ưu điểm, khuyết điểm gì. Trên cơ sở đó đề ra chương trình mới về phát triển nhà ở đầy đủ, toàn diện hơn, chỉ đạo thực hiện tốt hơn. Chính vì vậy chúng tôi càng thêm băn khoăn vì thấy công tác quản lý phát triển nhà ở của tỉnh ta giai đoạn vừa qua chưa thực sự được quan tâm, mặc dù ai cũng biết đây là một lĩnh vực rất quan trọng, được là mối quan tâm hàng đầu của người dân.

Thị trường bất động sản (nhà ở và đất ở) ở Hải Dương phát triển khá mạnh trong những năm qua, nhưng là phát triển tự phát và manh mún. Các cơ quan quản lý nhà nước chưa có hệ thống quản lý bài bản trong lĩnh vực này. Nhà ở chủ yếu do dân và một số nhà đầu tư tự xây, đất ở được quy hoạch và đầu tư nhiều nhưng nhiều các dự án nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ, phần lớn là chia lô, bán nền. Nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp rất thiếu. Nhà ở cho người lao động thuê hầu hết là nhà dân tự xây cho thuê, chất lượng rất thấp. Cơ chế chính sách chung để tạo điều kiện hỗ trợ phát triển xây dựng nhà ở trên địa bàn chưa có, nên có rất ít nhà đầu tư mạnh dạn xây dựng nhà ở chung cư và nhà ở cho thuê. Công tác quản lý xây nhà ở tại đô thị và nông thôn cũng chậm đổi mới, nhiều khó khăn, phiền hà nhưng lại rất lỏng lẻo, dẫn đến phá vỡ quy hoạch, cảnh quan.

Do đó, Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Hải Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 cần tập trung nghiên cứu, đề xuất những nội dung cần đổi mới để khắc phục hạn chế tồn tại hiện nay. Cần tập trung vào một số lĩnh vực then chốt để chỉ đạo thực hiện, quản lý nhằm đáp ứng ngay những đòi hỏi về nhà ở và khắc phục những yếu kém trong  quản  lý nhà ở. Không nên dàn trải, chung chung hoặc na ná giống như chương trình mẫu dùng cho tỉnh nào cũng được.

Chúng ta phải xác định rõ quan điểm phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội, của gia đình, người dân, kết hợp các hình thức xã hội hoá và sự phối hợp hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước để phát triển nhà ở. Phát triển nhà ở phải theo quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, bảo đảm chất lượng sống và vệ sinh môi trường. Từ quan điểm đó, chúng tôi đề nghị Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Hải Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 cần quan tâm nghiên cứu sâu và đưa ra kế hoạch giải pháp cho mấy nhóm vấn đề cụ thể trên địa bàn tỉnh ta sau đây.

1.Nhà ở đô thị: Rà soát điều chỉnh quy hoạch các dự án dân cư khu đô thị, khuyến khích bổ sung, xây dựng mới các khu nhà ở cao tầng, khuyến khích xây dựng các công trình có chức năng sử dụng tổng hợp (nhà ở kết hợp dịch vụ công cộng) trên các tuyến đường phố chính để tiết kiệm quỹ đất, tiết kiệm vốn đầu tư xây dựng và tạo cảnh quan đô thị.

2.Nhà ở nông thôn: Rà soát bổ sung quy hoạch xây dựng nhà ở trong quy hoạch phát triển nông thôn mới, hướng dẫn và khuyến khích xây dựng nhà ở theo các mẫu nhà ở phù hợp với nông thôn và các loại hình sống, sản xuất, sinh hoạt theo nông thôn, không để tình trạng cắt chia đất, xây nhà ống, xây tự phát như hiện nay.


3.Nhà ở cho người nghèo: Ở tỉnh ta đã làm tốt việc này, nhưng thời gian tới cần quan tâm hơn. Uỷ ban MTTQ tỉnh đã có kết quả khảo sát đầy đủ và cụ thể. Theo Quyết định 3266/QĐ - UB ngày 17.12.2015 của UBND tỉnh phê duyệt dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 33 (Quyết định 167 trước đây) của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh có 2905 nhà hộ nghèo dột nát cần được hỗ trợ xây mới. Ba năm qua, MTTQ các cấp, chủ yếu là MTTQ tỉnh đã hỗ trợ xây mới 539 nhà với tổng kinh phí trên 26 tỷ đồng (bình quân 50 triệu đồng/ nhà). Hiện nay, theo số liệu khảo sát của chúng tôi từ thôn, khu dân cư, toàn tỉnh cần hỗ trợ xây mới 1677 ngôi nhà dột nát còn lại cho các hộ nghèo. Việc này cần kết hợp sự hỗ trợ của Nhà nước với cơ chế theo Quyết định 33 cùng với sự vận động của MTTQ và các đoàn thể, tổ chức xã hội để đến năm 2020 xóa nhà dột nát cho hộ nghèo trong phạm vi toàn tỉnh.

4.Nhà ở cho công nhân ở các khu cụm khu, cụm công nghiệp: Hiện nay bên cạnh một số cụm, khu công nghiệp, chúng ta có quy hoạch đất ở phục vụ cho công nhân nhưng không có kinh phí xây dựng nhà ở chung cư cho họ hoặc họ không có đủ tiền để mua đất xây nhà ở, nên có thể nói cơ bản là công nhân ở các khu, cụm công nghiệp không có nhà ở. Cần có cơ chế chính sách cụ thể để phát triển nhà ở cho đối tượng này. Đây là vấn đề quan trọng trong phát triển giai cấp công nhân, lao động, trong giải quyết quan hệ xã hội và bền vững mội trường xã hội, xây dựng con người lao động mới trong tương lai. Chương trình cần đề xuất cụ thể về loại hình đầu tư, quản lý và xây dựng loại nhà này. Tỉnh ta là một trong những địa phương đang phát triển mạnh các khu, cụm công nghiệp. Công nhân lao động chủ yếu ở nhà quê, đi làm công ty theo giờ, tay nghề chuyên môn thấp: Cuộc sống tạm bợ nửa nông, nửa công / chỗ ở không / đi lại giao thông nhiều tai nạn, rất thiếu bền vững trong cuộc sống và trong sản xuất, khó khăn cho cả doanh nghiệp và người lao động. Ngân sách nhà nước kết hợp với chủ doanh nghiệp sử dụng lao động, Ban Quản lý khu công nghiệp và chủ đầu tư khu công nghiệp đều cần có trách nhiệm trong vấn đề xây dựng nhà ở cho công nhân để có đội ngũ công nhân lao động ổn định và phát triển bền vững.

5.Nhà ở cho thuê: Thị trường nhà ở cho thuê hiện nay đang rất phát triển nhưng tự phát, không có tổ chức và quản lý. Xung quanh các cụm công nghiệp và ven đô thị rất nhiều nhà dân tự xây dựng cho công nhân, sinh viên, học sinh và người nghèo thuê (một số khu vực có nhà ở cho người nước ngoài thuê). Chất lượng nhà ở thấp, nóng bức, vấn đề điện nước, vệ sinh môi trường, an ninh xã hội, an ninh trật tự, giá cả tự do, không được quản lý, không có quy hoạch, không đóng thuế… rất phổ biến. Đề nghị tỉnh có sự chỉ đạo và chương trình cần nghiên cứu sâu kỹ về lĩnh vực này, từ cơ chế quản lý, cấp phép, quy hoạch xây dựng, đến tiêu chuẩn xây dựng, môi trường, thiết bị sinh hoạt đều cần phải có quy định hướng dẫn và khuyến khích thực hiện, gắn với kiểm tra, kiểm soát, không nên để tình trạng phát triển tùy tiện như hiện nay.

6.Về cơ chế chính sách và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà ở: Cần có quyết tâm cao trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cá nhân, gia đình xây dựng nhà ở. Nhà ở không phải chỉ là tài sản của gia đình, cá nhân. Khi tiền vốn bỏ ra là của tổ chức, cá nhân, gia đình nhưng khi công trình xây dựng xong là trở thành tài sản của xã hội, nó góp phần nâng cao điều kiện sống cho con người và tạo cảnh quan cho đô thị và nông thôn.  Các cơ quan quản lý cần có cơ chế khuyến khích người dân bỏ tiền ra xây tốt, đẹp, phù hợp quy hoạch, làm đẹp cảnh quan. Như vậy chương trình cần chỉ ra những yếu kém của công tác quản lý xây dựng nhà ở ở các cấp, các địa phương và sự tùy tiện của người dân. Nhìn chung từ trước đến nay, chúng ta chưa có đào tạo cán bộ có nghiệp vụ quản lý nhà ở và chưa có hướng dẫn dân xây nhà ở như thế nào cho hợp lý, bền, đẹp, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả.

7. Vấn đề nghiên cứu sử dụng vật liệu xây dựng nhà ở hợp lý, tiết kiệm và bền vững cũng là lĩnh vực cần quan tâm nghiên cứu trong Chương trình phát triển nhà ở vì vốn đầu tư xây dựng nhà ở luôn chiếm một tỷ trọng lớn trong đầu tư phát triển kinh tế-xã hội. Các cơ quan chuyên môn, quản lý và nhà tư vấn, nhà thầu xây dựng, nhà sản xuất vật liệu xây dựng cũng cần nghiên cứu để có định hướng giúp người đầu tư xây nhà sử dụng vật liệu phù hợp, giá thành rẻ, công trình bền vững, giảm thiểu dùng gỗ, thép, gạch nung, vật liệu xây dựng ảnh hưởng tới sự bền vững của môi trường, hao phí tài nguyên xã hội.

Qua nghiên cứu dự thảo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Hải Dương đến 2020 và định hướng đến năm 2030, chúng tôi thấy có nhiều vấn đề cần nghiên cứu cụ thể và sâu hơn, cần có kế hoạch rõ ràng hơn thì mới thực hiện được và mới có được hiệu quả.

PV

(0) Bình luận
Phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và người dân