<b>Thành lập các câu lạc bộ võ cổ truyền (VCT), đưa vào chương trình giáo dục thể chất trong trường phổ thông... là những hoạt động giúp phong trào tập luyện võ thuật truyền thống ở Hải Dương đang ngày một sôi nổi, phát triển.</b><br>
Ngày càng có nhiều học sinh ở huyện Kim Thành theo lớp học võ thuật cổ truyền
Nở rộ lớp dạy võ
Lê Quang Bắc học lớp 7 ở xã Đại Đức (Kim Thành). Em luyện tập VCT tại lớp học gần nhà được 4 tháng nay. Càng tập luyện, Bắc càng say mê môn võ truyền thống này. Anh Lê Hồng Hải, bố của Bắc cho biết: "Từ khi tập võ, cháu ngày càng nhanh nhẹn, hoạt bát hơn. Được rèn luyện nghiêm túc nên tính tự lập cũng cao hơn. Hằng ngày cháu tự giác dậy sớm tập thể dục, vệ sinh cá nhân, chuẩn bị đồ dùng đi học mà không cần ai nhắc nhở. Tôi và gia đình rất phấn khởi".
Những tác dụng tích cực của việc tập luyện VCT là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến môn này không ngừng phát triển ở Kim Thành kể từ khi huyện này quan tâm khôi phục. Khoảng năm 2000, Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện đã phối hợp với một số võ đường ở Quảng Ninh, Hải Phòng mở 3 lớp dạy VCT ở thị trấn Kim Thành, các xã Đồng Gia và Việt Hưng. Đến nay, toàn huyện duy trì thường xuyên 5 lớp dạy VCT (mỗi lớp có 50 - 130 võ sinh) ở một số xã, thị trấn thuộc cả 3 khu A, B, C. Các lớp dạy VCT hoạt động 2 buổi/tuần, mỗi buổi từ 17 giờ 30 đến 19 giờ 30. Tham gia lớp học, võ sinh được các võ sư có kinh nghiệm lâu năm truyền dạy những kỹ năng của môn VCT như đòn thế, tấn phát, kỹ thuật sử dụng binh khí, đối kháng, chiến đấu đặc thù… Các lớp VCT trong huyện thường xuyên tổ chức giao lưu với nhau hoặc giao lưu với các võ đường ở Hải Phòng, Quảng Ninh để học hỏi kinh nghiệm. “VCT không chỉ giúp mỗi người nâng cao sức khỏe, khả năng phòng thân mà còn rèn luyện ý chí, tâm tính, nghị lực sống. Dùng võ để trị tâm, lấy đức để thu phục lòng người là một trong những tư tưởng tuyệt vời của VCT. Điều này đã giải thích vì sao ngày càng có nhiều phụ huynh ở Kim Thành nói riêng, ở những nơi khác nói chung lại thích cho con tham gia các lớp dạy VCT”, võ sư Phan Văn Duy, chủ nhiệm một lớp võ thuật ở Kim Thành nói.
VCT ở Hải Dương đang được khôi phục và ngày càng phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 80 câu lạc bộ VCT đang hoạt động. Trong đó, tập trung đông nhất là ở TP Hải Dương, các huyện Thanh Hà, Nam Sách, Kim Thành, Cẩm Giàng. VCT được đưa vào hệ thống thi đấu thể thao của nhiều địa phương. Đặc biệt, từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”, VCT đã được các trường học đưa vào buổi tập thể dục giữa giờ hoặc tiết thể dục… phù hợp với tình hình thực tế của mỗi trường. Tại huyện Nam Sách, VCT đã được tất cả các trường tiểu học và THCS đưa vào chương trình giáo dục thể chất. Trường THPT Nam Sách và Trường THCS Võ Thị Sáu dạy VCT cho học sinh 2 tiết/tuần.
Tạo “đòn bẩy” để phát triển
Cuối tháng 8 vừa qua, Giải võ cổ truyền thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hải Dương lần đầu tiên được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Giải đấu là “đòn bẩy” để khuyến khích, động viên thanh thiếu nhi tích cực luyện tập VCT, đồng thời giúp tỉnh phát hiện, tuyển chọn những võ sinh có năng khiếu vào đội tuyển đi thi đấu cấp quốc gia. Trong những năm tới, giải đấu sẽ được duy trì tổ chức đều đặn.
Giải võ cổ truyền thiếu niên, nhi đồng lần đầu được tỉnh ta tổ chức đã tạo đòn bẩy để phong trào học võ cổ truyền phát triển trong thời gian tới
Để VCT ngày càng “ăn sâu” vào hệ thống các trường phổ thông theo đề án trên, ngoài việc xây dựng kế hoạch, đôn đốc, chỉ đạo các trường thực hiện theo lộ trình, Sở Giáo dục và Đào tạo còn phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên tổ chức tập huấn các bài VCT căn bản cho giáo viên thể chất các trường rồi áp dụng phù hợp với từng cấp học.
Một số huyện như Kim Thành, Nam Sách đã xác định sẽ đưa VCT trở thành một trong những môn thể thao thế mạnh của địa phương trong những năm tới. Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Thành Nguyễn Hữu Hưng cho biết sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về VCT, khơi dậy trong họ niềm yêu thích vẻ đẹp môn thể thao cổ truyền này. Tiếp tục duy trì, mở thêm các lớp VCT ở các xã, phấn đấu mỗi xã sẽ có một lớp VCT. Yêu cầu các trường học duy trì đều đặn việc tập luyện các bài VCT cho học sinh. Huyện sẽ hỗ trợ mở địa điểm, trang bị dụng cụ cho các lớp VCT, khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân tài trợ để duy trì hoạt động thể dục, thể thao cơ sở, trong đó có môn VCT.
Một số võ sư tại Hải Phòng, Quảng Ninh cho rằng các lớp VCT tại Hải Dương khá phát triển nhưng chưa thực sự đồng đều, quy mô chưa lớn. Địa phương cũng chưa có một võ đường nào để quy tụ những võ sư có kỹ năng, kỹ thuật chuyên sâu về truyền dạy VCT cho võ sinh. Việc thành lập các võ đường đòi hỏi rất nhiều yếu tố nên giải pháp hợp lý nhất là mỗi địa phương cần mở thêm nhiều lớp VCT nghiệp dư. Thường xuyên tổ chức thi đấu giao lưu, đưa VCT vào hệ thống giải thể thao hằng năm để khuyến khích phong trào phát triển. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá dưới nhiều hình thức để VCT ngày càng được người dân quan tâm, yêu thích hơn.
TIẾN MẠNH