Nhiều xã khó trả nợ xây dựng cơ bản

22/11/2017 04:51

Sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM), không ít xã rơi vào tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) với số tiền lớn.


Xã Hồng Hưng (Gia Lộc) vẫn còn nợ xây dựng cơ bản nông thôn mới trên 12 tỷ đồng

Vẫn nợ “khủng”

Hoàn thành xây dựng NTM năm 2015 nên Đồng Lạc được biết đến là xã có cơ sở hạ tầng khang trang ở huyện Nam Sách. Thế nhưng để đạt NTM, Đồng Lạc phải gánh khoản nợ tới 37,2 tỷ đồng. Đây là một trong những xã có số nợ XDCB cao nhất tỉnh.

Gần 3 năm qua, xã Đồng Lạc đã phải thắt chặt chi tiêu, tích cực khai thác các nguồn thu để trả nợ. Ngoài nguồn hỗ trợ của tỉnh, của huyện, Đồng Lạc vận động nhân dân đóng góp được gần 2 tỷ đồng để trả tiền xây dựng nghĩa trang nhân dân. Xã cũng tích cực quy hoạch các khu dân cư mới để đấu giá chuyển quyền sử dụng đất và xử lý đất dôi dư, xen kẹp. Với các biện pháp trên, địa phương đã trả được 26,2 tỷ đồng, hiện còn nợ 11 tỷ đồng.

Theo thống kê của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh, hiện các xã trong tỉnh còn nợ XDCB 1.106,6 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng nợ XDCB do lãnh đạo một số địa phương nóng vội, chạy theo thành tích, chưa có vốn đối ứng nhưng vẫn xây dựng các công trình để hoàn thành NTM. Ông Trần Khắc Đoan, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh cho biết: “Những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương khai thác mọi nguồn lực để trả nợ XDCB song do số nợ quá lớn nên không thể ngày một ngày hai thanh toán hết các khoản”.

Trông chờ vào bán đất

Để NTM thực sự phát huy hiệu quả mà không tạo áp lực lên chính quyền cơ sở thì giải bài toán nợ đọng XDCB là hết sức quan trọng. Nhưng bài toán này không dễ giải, bởi để xây dựng NTM, những năm qua nhiều xã đã khai thác hết các nguồn lực, như hỗ trợ của cấp trên, đóng góp của nhân dân, ủng hộ của các cá nhân, tổ chức. Các địa phương đã thực hiện đấu giá chuyển quyền sử dụng đất để lấy kinh phí xây dựng NTM nên đất đai không còn nhiều. Một số địa phương nằm ở vùng xa, giá trị đất không cao nên số tiền thu từ đấu giá đất không lớn. Vì thế, nhiều địa phương đang rất loay hoay, không biết lấy đâu ra hàng chục tỷ đồng để trả nợ XDCB.

Sau khi hoàn thành NTM vào năm 2016, xã Hồng Hưng (Gia Lộc) tìm mọi cách để trả nợ XDCB nhưng hiện vẫn còn nợ 12 tỷ đồng. Mấy năm nay, sản xuất nông nghiệp của xã gặp khó khăn do chuột phá hoại nên nhiều nông dân bỏ hoang ruộng. Người dân đã tích cực đóng góp xây dựng một số công trình như giao thông, thủy lợi nên hiện nay không thể huy động đóng góp thêm nữa. Xã cũng đã nhận các nguồn hỗ trợ của tỉnh, huyện. Nguồn duy nhất của địa phương lúc này là đấu giá chuyển quyền sử dụng đất. Nhưng do địa phương không có các trục đường giao thông quan trọng đi qua nên giá trị đất thấp và không nhiều người muốn mua. "Các nguồn lực ở địa phương hiện đã cạn kiệt nên chưa biết đến khi nào xã mới trả được hết nợ”, ông Phạm Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Hồng Hưng bày tỏ.

Phấn đấu đến năm 2018 sẽ trả hết khoản nợ 11 tỷ đồng, xã Đồng Lạc đã quy hoạch các khu Đông Duệ, Miếu Lãng và Trúc Khê để đấu giá chuyển quyền sử dụng đất và xử lý đất dôi dư, xen kẹp. "Ngoài đấu giá đất để trả nợ thì xã không còn nguồn nào khác", ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch UBND xã Đồng Lạc nói.

Đất đai có hạn nên về lâu dài sẽ không thể trông chờ vào nguồn bán đất. Trong khi đó, sau một số năm sử dụng, các công trình xây dựng lại phải tu sửa, nâng cấp, hoặc xây dựng lại mới đáp ứng được nhu cầu phát triển. “Để giải bài toán nợ XDCB, các địa phương cần đẩy mạnh phát triển sản xuất. Cùng với nông nghiệp, cần phát triển các loại hình dịch vụ thương mại, đưa thêm các ngành nghề mới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Khi người dân có thu nhập, họ sẽ có điều kiện đóng góp, ủng hộ xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương. Có như vậy, các địa phương mới có kinh phí xây dựng NTM bền vững chứ đừng chỉ trông chờ vào nguồn bán đất như hiện nay”, ông Trần Khắc Đoan khẳng định.


THANH HÀ

(0) Bình luận
Nhiều xã khó trả nợ xây dựng cơ bản