Làng nghề Lấu Khê dừng sản xuất

11/11/2017 09:59

Làng nghề sản xuất gạch không nung Lấu Khê ở xã Hiệp Cát đã ngừng hoạt động và nhiều khả năng sẽ bị thu hồi quyết định công nhận làng nghề.

Dù đã chuyển sang sản xuất gạch bê tông nhưng doanh nghiệp của anh Nguyễn Văn Vương vẫn khó tiếp cận thị trường

Hiện nay, trong số 8 làng nghề truyền thống của huyện Nam Sách, làng nghề sản xuất gạch không nung Lấu Khê ở xã Hiệp Cát đã ngừng hoạt động và nhiều khả năng sẽ bị thu hồi quyết định công nhận làng nghề. Đâu là nguyên nhân khiến một làng nghề phát triển thịnh vượng thu hút trên 80% số hộ trong thôn những năm 2005 - 2010, đến nay phải ngừng sản xuất?

Về thôn Lấu Khê bây giờ sẽ thấy xóm làng yên tĩnh, không còn không khí náo nhiệt, tiếng râm ran của máy móc như những năm trước. Năm 2006, thôn Lấu Khê được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống sản xuất gạch không nung. Đây cũng là làng nghề duy nhất của huyện Nam Sách sản xuất vật liệu xây dựng. Toàn thôn có 144hộ với 315 lao động tham gia sản xuất gạch, chiếm trên 80% số hộ trong thôn. Thu nhập từ làm gạch không nung đã giúp nhiều hộ xây nhà, mua xe.

Ông Đặng Đức Đoàn, Trưởng thôn Lấu Khê cho biết: "3 năm trở lại đây, số hộ làm nghề ở Lấu Khê cứ mai một dần. Đến nay đã không còn hộ nào sản xuất gạch không nung từ xỉ than".

Nguyên nhân chính khiến làng nghề Lấu Khê phải ngừng sản xuất là do không còn thị trường tiêu thụ. Chất lượng gạch kém, công nghệ lạc hậu, tốn nhiều công, giá bán không cao. Loại gạch này cũng không bảo đảm chất lượng để xây dựng các công trình dân sinh. Các lao động trước đây chuyên sản xuất gạch đã đi xuất khẩu lao động hoặc chuyển sang chăn nuôi, trồng trọt. Hiện toàn thôn chỉ có 2 hộ chuyển sang sản xuất gạch bê tông với khoảng 30 lao động.

Anh Nguyễn Văn Vương, chủ Công ty TNHH Thành Long, một trong hai hộ chuyển sang sản xuất gạch bê tông cho biết hiện anh đang thuê mặt bằng của một số hộ dân và đã đầu tư 3 dàn máy ép gạch. Trong đó có 2 dàn máy ép gạch xây dựng với tổng công suất 4 vạn viên/ngày, bảo đảm chất lượng theo quy chuẩn của ngành xây dựng, 1 dàn máy ép gạch blốc tự chèn với công suất 1.000 viên/ngày. Doanh nghiệp của anh hiện đang tạo việc làm thường xuyên cho 6lao động với thu nhập 250.000 đồng/người/ ngày và hàng chục lao động thời vụ. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm đi vào sản xuất, 2 dàn máy của anh Vương chưa lúc nào được chạy hết công suất do đầu ra rất khó khăn. Anh Vương mong muốn được cơ quan chức năng hỗ trợ vay vốn ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng sản xuất, và quan trọng hơn là được tiếp cận, cung cấp vật liệu cho các dự án đầu tư công.

Việc khó tiếp cận thị trường cũng là trở ngại khiến nhiều hộ dân thôn Lấu Khê không dám đầu tư sản xuất gạch bê tông thay thế cho loại gạch làm bằng xỉ than như trước đây và đành để mai một danh hiệu làng nghề truyền thống. Nắm bắt khó khăn của các hộ làm nghề, ông Nguyễn Công Dưỡng, Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Cát cho biết: "UBND xã đã có chủ trương hỗ trợ người dân làng nghề, nhưng chủ yếu chỉ hỗ trợ vay vốn chứ chưa có biện pháp khả thi nào để vực dậy làng nghề".

DƯƠNG HÒA

(0) Bình luận
Làng nghề Lấu Khê dừng sản xuất