Hồi sinh nghề nuôi ba ba ở Đại Đồng

19/10/2019 08:00

​Sau khoảng chục năm trầm lắng, nghề nuôi ba ba ở xã Đại Đồng (Tứ Kỳ) lại hồi sinh. Nhờ nghề này, nhiều hộ dân trong xã đã có "của ăn, của để".


Mỗi năm, gia đình ông Nguyễn Văn Túy (bên trái) ở thôn Nghĩa Xá thu lãi hơn 1 tỷ đồng từ nuôi ba ba gai

Thay giống

Năm 1991, gia đình ông Nguyễn Văn Tuý ở thôn Nghĩa Xá cũng như nhiều hộ khác trong làng khởi nghiệp từ nghề nuôi ba ba đỏ. Lúc bấy giờ, loại ba ba này có giá trị kinh tế cao và được thị trường ưa chuộng. Dù vậy, sau một thời gian nuôi, ba ba đỏ bị dịch bệnh. Hơn một nửa số ba ba đỏ của gia đình ông bị chết, số còn lại phải bán chạy dịch. Sau đợt ấy, ông nhận thấy một số con ba ba gai được thả ghép lại không bị bệnh, vẫn phát triển bình thường. Từ đó, ông chuyển hẳn sang nuôi ba ba gai. “So với ba ba đỏ thì ba ba gai dễ nuôi, ít bị bệnh và có giá trị kinh tế cao hơn. Nuôi 3 năm, loại này đạt trọng lượng khoảng 6 kg, nếu nuôi tiếp sẽ tăng từ 3 - 5 kg. Nhiều con ba ba gai đạt trọng lượng lên tới hơn 20 kg”, ông Tuý cho biết.

Ở xã Đại Đồng vào lúc cao điểm có hơn 700 hộ nuôi ba ba. Năm 2005, ba ba đỏ bị dịch bệnh chết hàng loạt nên nhiều hộ đã bỏ nghề. Cả xã chỉ còn vài chục hộ duy trì nghề này. Khoảng 4 năm trở lại đây, số hộ nuôi ba ba trong xã nhanh chóng tăng trở lại. Thay vì nuôi ba ba đỏ, các hộ đã chuyển sang nuôi ba ba gai. Đây là giống ba ba có trọng lượng lớn, sức đề kháng tốt và được thị trường ưa chuộng. Hiện cả xã có hơn 100 hộ nuôi loại này.

Ông Nguyễn Công Duy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Đồng cho biết: Ba ba gai dễ nuôi, hợp với khí hậu miền Bắc. Một số hộ nuôi trong xã và nhiều địa phương ở Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên liên kết với nhau thành lập Chi hội Nuôi ba ba để giúp đỡ nhau về kỹ thuật và thị trường tiêu thụ. Hằng năm, Hội Nông dân xã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi thủy sản cho các hộ dân, trong đó chú trọng truyền kinh nghiệm nuôi ba ba. Nhờ đó, nghề nuôi ba ba gai đã mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân nơi đây.

Thu nhập cao


Thức ăn cho ba ba chủ yếu là cá rô phi, mè vụn, sau đó được làm sạch ruột, băm nhỏ và thả vào sàng treo xuống ao ngập nước 

Thấy nhiều hộ trong xã giàu lên nhanh chóng từ nghề nuôi ba ba gai nên ông Trần Văn Nhĩ ở thôn Liêu Xá cũng cải tạo ao để nuôi. Ông Nhĩ phấn khởi cho biết: "Trước đây, tôi nuôi cá nhưng không hiệu quả nên cải tạo 600 m2 ao chia làm 3 bể để nuôi ba ba gai. Tôi nuôi gối nhau được 200 con ba ba/lứa. Mỗi năm, gia đình tôi thu được gần 6 tạ ba ba gai, lãi hơn 200 triệu đồng".

Theo ông Nhĩ, chi phí đầu tư con giống ba ba cao nhưng nuôi không vất vả, thu nhập khá hơn so với các loại thủy sản truyền thống. Khi còn nhỏ, ba ba có thể bị chết do nhiễm bệnh, nhưng tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi chỉ khoảng 10%. Ba ba gai là loài ăn tạp. Thức ăn dễ kiếm, chủ yếu là cá vụn giá rẻ như rô phi, mè... Tính từ lúc nuôi đến xuất bán, mỗi con ba ba gai ăn khoảng 30 kg cá vụn. Khi cho ăn cần làm sạch ruột cá, sau đó băm nhỏ. Thức ăn được thả vào sàng treo ngập nước từ 20 - 25 cm. Ba ba gai có thể nuôi trong bể xi măng hoặc trong ao, mật độ thả nuôi hợp lý khoảng 4 con/m2, mực nước ao sâu từ 1,5-2 m, đáy ao thiết kế có độ nghiêng dần về cống thoát nước bảo đảm vệ sinh ao thuận tiện. Mặt ao thả bèo vừa có tác dụng lọc nước, cặn bẩn, vừa là nơi để ba ba trú ẩn.

Ông Túy gắn bó với nghề nuôi ba ba từ những ngày đầu, đến nay đã được gần 30 năm. Nhờ nuôi ba ba, từ hộ khó khăn, gia đình ông đã trở thành một trong những hộ có kinh tế khá trong xã. Hiện ông đã có 21 ao nuôi ba ba với tổng diện tích hơn 7.000 m2. Mỗi năm, gia đình ông xuất ra thị trường khoảng 3 tấn ba ba, với giá từ 420.000 - 450.000 đồng/kg, thu lãi hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, ông còn nhập ba ba giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho các hộ khác trong vùng.

Nghề nuôi ba ba gai đã mang lại thu nhập cao, ít rủi ro và có đầu ra ổn định cho nhiều hộ dân ở xã Đại Đồng. Một số mô hình nuôi ba ba gai ở đây được người dân ở nhiều địa phương khác đến tham quan, học hỏi. Để các hộ có điều kiện mở rộng diện tích nuôi, đạt hiệu quả cao và bền vững hơn, các cơ quan liên quan cần quan tâm hỗ trợ về giống, kỹ thuật...

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Hồi sinh nghề nuôi ba ba ở Đại Đồng