Doanh nghiệp có chịu tự "vạch áo cho người xem lưng"?

15/01/2019 07:16

Từ ngày 1.1.2019, Thông tư số 17/2018/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có hiệu lực thi hành.

Thông tư này quy định về tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động của doanh nghiệp (DN). Theo đó, người sử dụng lao động phải tổ chức tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động tại cơ sở của mình ít nhất 1 lần/năm nhằm đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật lao động và có giải pháp cải tiến việc tuân thủ. Thời gian tự kiểm tra cụ thể do người sử dụng lao động quyết định. Các nội dung tự kiểm tra rất nhiều. Đó là việc thực hiện báo cáo định kỳ; tuyển dụng và đào tạo lao động; giao kết và thực hiện hợp đồng lao động; đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể; thời giờ làm việc và nghỉ ngơi; trả lương cho người lao động (NLĐ); tổ chức, thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động. Nội dung tự kiểm tra bao gồm cả việc thực hiện các quy định đối với lao động nữ; xử lý kỷ luật lao động; việc trích đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc...

Quy định chia thành 2 nhóm đối tượng, gồm DN thực hiện theo yêu cầu của thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và DN tự thực hiện hằng năm.

Hải Dương hiện có hơn 12.000 DN đăng ký kinh doanh, nên chắc chắn số DN thuộc nhóm tự kiểm tra hằng năm sẽ không nhỏ. Trong nội dung kiểm tra lại có khá nhiều nội dung nhạy cảm đối với DN như vấn đề thời giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi, công tác an toàn, vệ sinh lao động, đóng bảo hiểm xã hội... Trên thực tế, đã có không ít DN thực hiện không tốt một số nội dung này nên xảy ra khiếu kiện của NLĐ dẫn đến ngừng việc tập thể, tai nạn lao động, nợ đọng tiền bảo hiểm với số lượng lớn...

Theo quy định, thành phần của đoàn kiểm tra lại gồm đại diện người sử dụng lao động làm trưởng đoàn; thành viên đoàn là cán bộ lao động, tiền lương, cán bộ an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp; đại diện NLĐ và thành phần khác có liên quan do người sử dụng lao động tự quyết định. Đây thực chất đều là cán bộ, NLĐ của DN, do DN trả lương. Do đó, xuất hiện những nghi ngại về tính trung thực, khách quan, "bệnh" hình thức khi tiến hành tự kiểm tra. Liệu chủ DN có chịu "vạch áo cho người xem lưng" hay chỉ tổ chức một cách chiếu lệ, làm cho có?

Làm thế nào để các DN thực hiện đúng quy định trên và phát huy hiệu quả của công tác tự kiểm tra? Trước hết, thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cần làm tốt việc hướng dẫn DN đăng ký tài khoản và báo cáo kết quả tự kiểm tra trực tuyến. Các DN phải nghiêm túc tuân thủ, coi đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để nâng cao mối quan hệ lao động hài hòa với NLĐ, cải thiện điều kiện sản xuất, kinh doanh.

Công đoàn cơ sở đại diện cho NLĐ ở các DN phải tích cực phát huy vai trò trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ khi phối hợp với DN trong hoạt động này. Nếu nhận thấy DN có dấu hiệu vi phạm trong việc đánh giá kết quả tự kiểm tra thì ngoài việc tham mưu, góp ý có thể lựa chọn phương án khác như báo cáo với công đoàn cấp trên cơ sở để can thiệp hoặc báo cáo thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để thanh tra, xử lý. Khi phát hiện DN vi phạm, các cơ quan chức năng cần kịp thời xử lý nghiêm, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mặt khác cũng cần công khai những DN làm tốt hoặc khắc phục thành công hạn chế qua việc tự kiểm tra, đánh giá để làm gương; đồng thời giúp DN rộng cửa thu hút lao động khi có nhu cầu tuyển dụng.

NGỌC THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp có chịu tự "vạch áo cho người xem lưng"?