Tháng Tám tự hào

19/08/2018 08:17

Tháng Tám đến hẹn lại về mà tưởng như bất chợt. Nhẹ nhàng như nét mực nghiêng. Phố xá cũng phải đợi đến tháng Tám mới phô bày hết nét đẹp cổ kính, rực rỡ, trong ánh nắng nhạt cuối chiều.

Tháng Tám đến hẹn lại về mà tưởng như bất chợt. Nhẹ nhàng như nét mực nghiêng. Phố xá cũng phải đợi đến tháng Tám mới phô bày hết nét đẹp cổ kính, rực rỡ, trong ánh nắng nhạt cuối chiều. Chút nắng mỏng manh cuối cùng của mùa hạ như muốn gửi lại mùa thu. Không gian chuyển màu. Lá cây cũng chuyển màu. Sẫm hơn, cường tráng hơn. Dường như nó đang cố thu nạp tối đa năng lượng để đủ sức vượt qua mùa đông buốt giá. Bầu trời cao vời vợi. Nắng gió như men nồng. Không gian bình yên, phẳng lặng đến diệu kỳ.

Tháng Tám luôn là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam. Ngày 13.8.1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào nhận định: "Thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền đã tới" và Quân lệnh số 01 được phát đi. Ngày 16.8.1945, Đại hội đại biểu quốc dân họp ở Tân Trào thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh và lệnh Tổng khởi nghĩa. Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta!”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, ngày 19.8.1945, một cuộc cách mạng long trời lở đất, đập tan chế độ quân chủ và 80 năm đô hộ của thực dân Pháp, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. "Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày. Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai. Mười chín Tháng Tám khi quốc dân căm hờn kêu thét. Tiến lên cùng hô mau diệt tan hết quân thù chung...". (Ca khúc 19 tháng 8 của nhạc sĩ Xuân Oanh). Và cho đến tận hôm nay, rất nhiều người nghe lại lời ca hào hùng cùng nhớ lại cái không khí thiêng liêng của những ngày ấy vẫn còn rưng rưng nước mắt. Nước mắt tự hào.

Người xưa nói: "Muốn ăn lúa tháng năm, trông trăng rằm tháng tám". Câu ấy đâu chỉ dành riêng cho người chuyên canh khoai lúa. Dù cái mốc thời gian ấy chỉ là ước lệ. Người làng hoa quê tôi cũng phải trông trăng tháng Tám, để xem cái mùa đông tới ấm lạnh ra sao, còn đặt cây hạ củ, cho hoa nở đúng dịp Tết cổ truyền. Nay cái "mốc" ấy lại chuyển sang ngày Tổng khởi nghĩa thành công (19.8), ngày Quốc khánh (2.9). Những vùng trũng cẩn thận hơn lại chờ đến ngày giải phóng TP Hải Dương (30.10). "Phải qua Tết giải phóng mới chắc ăn", người ta nói với nhau như thế. Lạ thật. Những ngày lịch sử của đất nước ta cứ tự nhiên đi vào nông lịch. Ai cũng gọi là "Tết". Những ngày "Tết" ấy đã ăn sâu vào máu thịt, vào trái tim mọi người dân Việt. Đâu chỉ đơn thuần là "ăn mừng", mà còn lưu truyền kinh nghiệm cấy trồng cho con cháu mai sau. Vừa dân dã, hiện đại, vừa thân thiết tự hào.

Người làng hoa quê tôi đón tháng Tám tự hào bằng cảm giác mùa xuân đang hiện hữu trước mắt. Trong luống hoa vừa đặt. Trong vườn đào vừa khoanh cây hãm vỏ. Những bàn tay làm cho thành phố sang trọng, lung linh, luôn bắt đầu từ tháng tám tự hào như thế.    

Tản văn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN

(0) Bình luận
Tháng Tám tự hào