Xuất khẩu vải thiều sớm nâng cao giá trị đặc sản

21/05/2022 15:00

Việc xuất khẩu vải thiều sớm đến các thị trường mới, khó tính đã góp phần nâng cao giá trị, chất lượng của quả vải thiều, một trong những đặc sản của huyện Thanh Hà.


Thương lái thu mua vải sớm tại xã Thanh Quang để xuất sang Campuchia và Lào

Không chỉ tiêu thụ trong nước, giờ đây vải thiều sớm (gồm các loại u trứng trắng, u hồng...) đã được nhiều doanh nghiệp chủ động thu mua để xuất khẩu. 

Mở rộng thị trường

Ngày 12.5 vừa qua, Công ty TNHH Sản xuất thương mại và Dịch vụ Rồng Đỏ (TP Hồ Chí Minh) đã thu mua 7 tạ vải u trứng trắng của một số hộ dân ở xã Vĩnh Lập và xuất khẩu thành công sang thị trường Mỹ, một trong những thị trường được coi là khó tính bởi những yêu cầu khắt khe về chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Đây là tín hiệu vui của nông dân Thanh Hà trước mùa vải mới.

Ông Vũ Văn Nhuận ở thôn Thiệu Mỹ (xã Vĩnh Lập), người đầu tiên của huyện có vải u trứng trắng bán rất mừng vì có 3 tạ vải được chọn xuất khẩu đi Mỹ. Vải của gia đình ông được doanh nghiệp mua tại vườn mỗi cân 80.000 đồng. Ông Nhuận cho biết: "Để sản phẩm xuất khẩu được sang thị trường Mỹ, chúng tôi đã nghiêm túc tuân thủ quy trình sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP như hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, khi cần thì dùng liều lượng thấp và dùng thuốc trong danh mục cho phép. Chúng tôi đều có sổ sách ghi chép rõ thời gian, liều lượng thuốc đã dùng. Nhờ đó, sản phẩm đã đáp ứng được yêu cầu chất lượng cao của thị trường này".

Ngoài thị trường Mỹ, năm nay công ty này sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu vải thiều sớm sang nhiều nước ASEAN.

Dù mới vào đầu vụ nhưng Công ty CP Ameii Việt Nam (Thanh Hà) đã nhận được đơn hàng 500 tấn vải u hồng để xuất sang Australia, Thái Lan... Doanh nghiệp dự kiến xuất khẩu khoảng 2.000 tấn sang Nhật Bản, Malaysia. Bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam cho biết để bảo đảm yêu cầu xuất khẩu, doanh nghiệp đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng nâng công suất các dây chuyền sơ chế, buồng hun trùng... Năm nay, doanh nghiệp sẽ ứng dụng công nghệ sấy lạnh để bảo quản quả vải lâu hơn. Bà Hồng cho biết: "Việc xuất khẩu thành công vải thiều Thanh Hà vào thị trường Nhật Bản đã khẳng định được chất lượng của sản phẩm này. Người Nhật rất thích vải quả của nước ta. Năm nay doanh nghiệp cố gắng mở rộng thị trường mới như Bỉ, Cộng hòa Séc, Hà Lan, Anh, Pháp, Đức, Canada... để có thêm nhiều người được thưởng thức vải thiều sớm". 

Ngoài các doanh nghiệp trên, nhiều thương lái ở Thanh Hà cũng thu mua vải sớm xuất khẩu sang các nước như Campuchia, Lào.

Huyện Thanh Hà có khoảng 1.600 ha vải sớm với sản lượng ước đạt hơn 25.000 tấn, tương đương năm ngoái. Năm nay, việc xuất khẩu vải qua cửa khẩu sang Trung Quốc được nhận định còn nhiều khó khăn nên huyện Thanh Hà kêu gọi các doanh nghiệp xuất vải thiều sang các nước khác.


Gia đình ông Trịnh Tố Tôn ở thôn Vĩnh Ninh (xã Thanh Cường) có nhiều vải u trứng trắng được thương lái đến đặt mua xuất khẩu

Khẳng định chất lượng

Huyện Thanh Hà đã áp dụng thành công tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất vải, nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó vải thiều sớm là một ví dụ điển hình. Ông Trịnh Tố Tôn ở thôn Vĩnh Ninh (xã Thanh Cường) cho biết vải sớm trước đây có vị hơi chua, chát nhưng bằng việc áp dụng các tiến bộ khoa học, thay đổi trong quy trình chăm sóc nên đã ngon, ngọt và thơm hơn, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Vải sớm hiện nay không còn phụ thuộc nhiều vào thị trường truyền thống Trung Quốc. Diện tích vải sớm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP ngày càng nhiều. Các vùng sản xuất đều được cấp mã số vùng trồng để người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc dễ dàng. Sản phẩm còn được đưa lên bán tại các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước. Giá trị quả vải đã không ngừng tăng lên. Giá mỗikg u trứng trắng đầu vụ (trà vải sớm nhất) gần 200.000 đồng, cao hơn 60.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái, hiện nay giá bán ổn định 90.000 đồng. 

Để khẳng định giá trị, chất lượng vải thiều sớm trên thị trường quốc tế, huyện Thanh Hà đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nghiêm túc thực hiện quy trình sản xuất theo hướng dẫn chuyên môn, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục. Các phòng chuyên môn thường xuyên kiểm tra, giám sát, động viên nông dân sản xuất vải theo quy trình. Các cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật cam kết không bán các loại thuốc có chất cấm dùng cho vải.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thanh Hà Hoàng Thị Thúy Hà, dù dịch Covid-19 kéo dài nhưng quả vải thiều sớm ở Thanh Hà không bị mất giá, luôn khẳng định được thương hiệu và giá trị. "Chúng tôi luôn quan tâm nâng cao chất lượng, giữ gìn thương hiệu vải thiều. Tổ chức sản xuất vải theo quy mô hàng hóa, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; hình thành và phát triển các chuỗi liên kết chặt chẽ trong sản xuất, chế biến", bà Hà nói.

MINH NGUYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu vải thiều sớm nâng cao giá trị đặc sản