Nhiều công ty phái cử lao động cho biết lượng đơn hàng từ các thị trường lớn như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… đang chờ người lao động (NLĐ) rất nhiều.
Các bạn trẻ đang học tiếng Nhật tại Trường Nhật ngữ Kaizen Yoshida, Công ty TNHH Esuhai trước khi sang Nhật làm việc
Với sự phát triển ổn định, doanh nghiệp (DN) tại các quốc gia và vùng lãnh thổ này có sự tăng trưởng nhanh và họ cần rất nhiều lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Sôi động thị trường Nhật Bản
Theo ông Trần Tiến Duy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Nhật Huy Khang, vài năm trở lại đây, NLĐ thường có xu hướng đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) vào cuối năm nhiều hơn so với các thời điểm khác trong năm.
Điều này được ông Huy lý giải do cuối năm là thời điểm DN Nhật Bản bắt đầu một năm tài khóa mới và tích cực tuyển chọn lao động đến từ các nước khác, trong đó họ ưu tiên lao động đến từ Việt Nam. "Với những gì mà lao động Việt Nam đã làm được trong nhiều năm qua, cộng thêm mối quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và Nhật Bản luôn ổn định và phát triển thì cơ hội cho lao động Việt Nam tại đất nước mặt trời mọc luôn rộng mở. Lao động khi sang Nhật Bản làm việc ngoài việc có cơ hội kiếm được nhiều tiền hơn thì cơ hội học được một nghề cho tương lai là rất cao" - ông Huy cho hay. Từ nay cho đến tháng 1.2019, Công ty Nhật Huy Khang sẽ có những đợt tuyển dụng lớn để đáp ứng như cầu từ đối tác Nhật Bản. Do vậy, việc hợp tác với các trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh sẽ được Công ty TNHH Nhật Huy Khang đẩy mạnh nhằm tìm kiếm những ứng viên nông thôn.
Đại diện Công ty TNHH Esuhai cho biết 3 tháng cuối năm 2018 sẽ có hơn 70 công ty Nhật đến Esuhai để phỏng vấn tuyển dụng 325 thực tập sinh (TTS) làm việc theo hợp đồng 1 năm hoặc 3 năm. Con số này dự kiến sẽ tăng cao khi một số công ty Nhật đặt vấn đề tuyển số lượng lớn lao động có hợp đồng 1 năm. Trong tháng 11 này, Công ty TNHH Esuhai sẽ tổ chức cho 43 công ty Nhật sang phỏng vấn tuyển 167 TTS nam và nữ đến Nhật làm việc ở nhiều ngành nghề khác nhau. "Hiện nay, đi Nhật Bản không chỉ có TTS, mà còn một phân khúc cao hơn đó là kỹ sư đang được các DN Nhật quan tâm. Chúng tôi đang đẩy mạnh phân khúc này bởi đây chính là việc "xuất khẩu chất xám". Kỹ sư Việt sang Nhật làm việc được trả lương bằng, thậm chí cao hơn kỹ sư người Nhật" - ông Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Esuhai, chia sẻ.
Tín hiệu tốt từ Hàn Quốc
Thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết Bộ Tư pháp Hàn Quốc vừa thông báo về việc thi hành chính sách đặc biệt cho người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện hồi hương. Theo chính sách này, những người nước ngoài bao gồm cả lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước trong thời gian từ ngày 1.10 đến 31.3.2019 sẽ không bị hạn chế tái nhập cảnh vào Hàn Quốc.
Chính sách đặc biệt này hứa hẹn sẽ giúp ích nhiều cho lao động Việt muốn trở lại làm việc tại Hàn Quốc. Đây cũng là tin vui cho hàng vạn lao động Việt Nam đang có nhu cầu sang Hàn Quốc làm việc nhưng bị ảnh hưởng bởi chính sách thắt chặt lao động Việt Nam do tỉ lệ bỏ trốn quá cao. Ông Nguyễn Trần Thăng, Phó Tổng giám đốc Công ty Thăng Long OSC, cho biết Hàn Quốc vốn là thị trường mà lao động Việt Nam có mặt nhiều nhất từ hơn 10 năm trước. Các ngành nghề chủ yếu tại Hàn Quốc như xây dựng, may, chế biến thực phẩm,… có thu nhập khá ổn định với khoảng 1.000-1.200 USD/tháng, tính làm thêm là khoảng 1.500-2.000 USD/tháng. Nhờ việc làm ổn định và thu nhập cao nên lao động Việt Nam đổ xô sang Hàn Quốc bùng nổ. Theo kế hoạch phân bổ chỉ tiêu lao động nước ngoài của Hàn Quốc năm 2018, nước này tiếp nhận 3.500 lao động Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, chưa bao gồm lĩnh vực nông nghiệp và ngư nghiệp. Tuy nhiên, con số này còn phụ thuộc khá lớn vào tình hình chấp hành pháp luật ở nước sở tại của lao động Việt.
Đài Loan tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất
Theo số liệu báo cáo mới nhất từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, 9 tháng đầu năm 2018, có 102.116 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tăng 10,19% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng khu vực Đông Bắc Á (gồm Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc), số lao động đi làm việc là 96.827 người, chiếm 94,82% tổng số lao động đưa đi. Đài Loan là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với 47.721 người (chiếm 49,28%). Nhật Bản đứng vị trí thứ 2 khi có 43.987 người được đưa sang đây làm việc. Hàn Quốc đứng thứ 3 khi tiếp nhận 4.900 lao động Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm 2018, có 26 thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam và có 328 doanh nghiệp tham gia lĩnh vực XKLĐ.
GIANG NAM (Người lao động)