Ở những nơi có môi trường làm việc tốt, đồng nghiệp cư xử thân thiện, được hưởng lương thỏa đáng và người lao động sẵn sàng làm việc với tinh thần cống hiến.
Tối 19/11, Công ty CP Anphabe (doanh nghiệp chuyên cung cấp các giải pháp cho nhà tuyển dụng) phối hợp công bố danh sách Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024. Đây là năm thứ 11 danh sách này được công bố và năm thứ 2 áp dụng cách phân loại theo các nhóm Top 1, Top 10, Top 20 và Top 50.
Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam (Unilever Việt Nam) giữ vị trí số 1 trong khối doanh nghiệp lớn. Điều gì khiến Unilever Việt Nam thường xuyên lọt Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam và nhiều năm duy trì vị trí số 1? Unilever là một trong những công ty áp dụng mô hình quản lý nguồn nhân lực mới và hiệu quả. Ban lãnh đạo chiến lược của Unilever tin chắc rằng sự hài lòng của nhân viên có ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công và tăng trưởng của doanh nghiệp. Với triết lý “Con người là tài sản quan trọng nhất, là yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp”, doanh nghiệp này tích cực thúc đẩy các nhân viên tích cực đưa ra ý kiến, mối quan tâm của họ về công việc, chế độ công ty; thường xuyên theo dõi, bảo đảm động lực cao cho nhân viên; tạo cơ hội mở cho những cá nhân nỗ lực muốn tiến xa hơn trong công việc... để giúp giữ chân nhân sự. Những hành động nhỏ này đã dẫn đến những kết quả lớn. Đó là thu nhập ròng của công ty tăng lên, lợi nhuận tăng trong 5 năm qua và tác động tích cực đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp...
Thực tế trong bối cảnh cạnh tranh lao động hiện nay, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam trong đó có không ít doanh nghiệp của Hải Dương đang nỗ lực tạo môi trường làm việc tốt cho người lao động. Có thể điểm danh những đơn vị từng được vinh danh là "Doanh nghiệp vì người lao động" của Hải Dương như các Công ty TNHH: Sumidenso Việt Nam, Công nghệ Nissei, Công nghiệp Brother Việt Nam, Điện tử UMC Việt Nam... Các doanh nghiệp này luôn nỗ lực xây dựng những mô hình, giải pháp chăm sóc người lao động thông qua tạo chỗ ở ổn định cho họ tại ký túc xá. Trong doanh nghiệp có thư viện, phòng tập gym, phòng hát, phòng vắt sữa cho phụ nữ có con nhỏ. Một số doanh nghiệp xây nhà trẻ cho công nhân gửi con...
Mỗi hành động nhỏ của doanh nghiệp đều hướng tới xây dựng một môi trường làm việc tốt để người lao động gắn bó, cống hiến, thậm chí sẵn sàng chia sẻ khó khăn với công ty. Câu chuyện này không hiếm khi đợt dịch Covid-19 bùng phát. Không ít người lao động của doanh nghiệp trên chấp nhận chậm lương, giãn việc mà không kêu ca, phàn nàn hay tổ chức đình công đòi quyền lợi.
Một giám đốc nhân sự có kinh nghiệm tuyển dụng gần 20 năm tại một doanh nghiệp trong khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương) từng chia sẻ với tôi rằng không ít doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang đưa ra nguyên tắc "4 P” để đánh giá môi trường làm việc bao gồm: Place (nơi làm việc), People (con người), Pay (tiền lương) và Passion (đam mê).
Một môi trường làm việc tốt là nơi có đồng nghiệp thân thiện, mức lương thỏa đáng. Đây là những yếu tố có thể cân, đong, đo đếm được bằng những quy chuẩn chung nhưng chữ "P" cuối cùng là “đam mê” lại thực sự cần doanh nghiệp phải tinh tế trong thực hiện.
Chủ doanh nghiệp muốn tạo sự thoải mái cho nhân viên, giúp họ có cơ hội sáng tạo, phát triển kỹ năng của bản thân, phát huy những sở trường và thế mạnh của mình thì phải là người thắp lửa đam mê ấy. Đam mê của mỗi nhân viên được trân trọng và nhận được sự động viên, khen thưởng kịp thời sẽ là động lực để họ gắn bó và cống hiến.
Để đánh giá doanh nghiệp, đơn vị, cơ quan nào đó có môi trường làm việc lý tưởng hay không ngoài niềm tin yêu, sự gắn bó của người lao động thì cũng luôn cần có những khảo sát, đánh giá đo lường của một tổ chức độc lập.
Dù Hải Dương chưa có doanh nghiệp nào lọt Top 1 về nơi làm việc tốt nhất Việt Nam nhưng tôi tin với cách làm nhiều nơi đang thực hiện, Hải Dương sẽ sớm có doanh nghiệp được vinh danh.
BẢO ANH