Lao động - Việc làm

Nhiều lao động tự do chưa tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

NGỌC THANH 26/11/2024 07:00

Dù là một chính sách nhân văn của Nhà nước nhằm bảo đảm an sinh xã hội, mang đến quyền lợi thiết thực nhưng nhiều lao động tự do ở Hải Dương vẫn không muốn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

00:00

bao-hiem-xa-hoi (4)
Cán bộ Bảo hiểm Xã hội tỉnh tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội cho tiểu thương. Ảnh: PHƯƠNG LINH

“Tiếc con săn sắt”

Chị Đặng Thị Đ. (48 tuổi) ở phường Phạm Ngũ Lão nhiều năm nay bán hoa quả ở các chợ quanh TP Hải Dương. Chị Đ. cho biết chị bán hàng ngày càng khó khăn vì có nhiều người bán, nhiều người đặt hàng online nên mất khách. Công việc này lại nhiều rủi ro nếu không bán được trong thời gian nhất định thì hoa quả sẽ bị hỏng, phải vứt bỏ coi như mất cả vốn lẫn lãi. Bán hàng cả tháng mới kiếm được vài triệu đồng cộng với tiền công lao động tự do ít ỏi của chồng thì gia đình chị tằn tiện lắm mới đủ chi tiêu, nuôi 2 con ăn học. Nhiều khi ở quê có đám xá chị cũng đành cáo vắng chứ tham gia hết không lấy đâu ra tiền. Vì vậy, chị chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ ra một khoản tiền để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

“Tôi cũng muốn mua bảo hiểm xã hội tự nguyện lắm chứ. Nếu mua sau này mình có lương hưu, cuộc sống đỡ khổ, không phải phụ thuộc vào con cái. Nhưng quả thật không lấy đâu ra tiền để đóng. Thôi thì cuộc sống ngày nào biết ngày nấy, đành tiếc con săn sắt vậy”, chị Đào cho biết.

Anh Nguyễn Văn H. ở xã Quảng Nghiệp (Tứ Kỳ) là thợ cơ khí. Vì làm tự do nên anh H. làm cho rất nhiều chủ sử dụng lao động cả trong và ngoài tỉnh. Theo thỏa thuận công việc, anh H. được chủ thuê trả lương theo ngày và không được tham gia bảo hiểm xã hội.

Anh H. chia sẻ: “Trước đây, tôi đã từng có ý định tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nhưng mới đây vợ tôi sinh thêm con thứ 3 nên chi phí trong gia đình đội lên rất nhiều. Tôi nghĩ rằng còn sức khỏe thì làm việc kiếm tiền lo cho gia đình, sau này già yếu tính sau. Bây giờ hằng tháng dù đi làm hay không cũng phải trích ra một khoản mua bảo hiểm xã hội tự nguyện thì tiếc lắm, trong khi kinh tế chẳng mấy dư dả”.

bao-hiem-xa-hoi (3)
Với suy nghĩ cuộc sống đến đâu biết đến đấy, nhiều lao động tự do vẫn thờ ờ với bảo hiểm xã hội tự nguyện

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện gồm hai nhóm. Một là người từ đủ 15 tuổi trở lên không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và không phải là người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng. Hai là người lao động đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận về việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian này.

Mức đóng hằng tháng của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng 22% mức thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện vào Quỹ Hưu trí và tử tuất. Hiện nay, theo chính sách người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện được hỗ trợ một phần tỷ lệ đóng (tùy theo diện hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng khác).

Theo quy định hiện hành, mức thu nhập tháng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn để tính mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng. Mức đóng cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở áp dụng từ ngày 1/7/2024 là 46,8 triệu đồng.

Tính đến hết ngày 31/10/2024, Hải Dương có tổng số 447.596 người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt tỷ lệ khoảng 53% lực lượng trong độ tuổi lao động tham gia. Trong đó, có 55.093 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, chiếm khoảng 6,5% số người trong độ tuổi lao động.

Như vậy, trong cộng đồng còn khoảng 47% số người trong độ tuổi lao động nhưng chưa tham gia bảo hiểm xã hội. Đây là con số không hề nhỏ, đặc biệt là nhóm lao động tự do. Qua khảo sát của phóng viên, đa phần người lao động không tham gia bảo hiểm tự nguyện với lý do tiếc tiền vì điều kiện kinh tế còn khó khăn cộng thêm tâm lý “nước đến đâu bắc cầu đến đấy” về quan điểm sống…

bao-hiem-xa-hoi (2)
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là cơ hội giúp lao động làm nông nghiệp được hưởng lương hưu. Ảnh: VĂN TUẤN

Tăng chế độ đãi ngộ

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là chính sách bảo hiểm ưu việt, nhân văn của Đảng và Nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Khi tham gia, người dân không chỉ được Nhà nước hỗ trợ mức đóng mà còn được hưởng nhiều quyền lợi thiết thực như: có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được cấp thẻ bảo hiểm miễn phí để bảo đảm cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi hết tuổi lao động; người thân được nhận chế độ tử tuất khi chẳng may người tham gia bảo hiểm qua đời.

Để khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025) mở rộng chính sách khi người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hưởng thêm chế độ thai sản, với mức 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra. Lao động nữ là người dân tộc thiểu số hoặc lao động nữ là người dân tộc Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo khi sinh con còn được hưởng chính sách hỗ trợ khác theo quy định.

Bên cạnh đó, theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, người tham gia bảo hiểm xã hội nói chung được hưởng chế độ hưu trí khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên. Đây là chính sách thiết thực, tạo điều kiện cho người tham gia bảo hiểm xã hội muộn, đặc biệt là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có cơ hội được nhận lương hưu.

Những người buôn bán nhỏ do thu nhận hạn hẹp nên còn ít người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Nhiều người buôn bán nhỏ chưa tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vì thu nhập còn hạn hẹp

Ông Lương Anh Tế, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh Hải Dương cho biết, Hải Dương hiện là địa phương có tỷ lệ già hóa dân số thuộc nhóm cao trong cả nước. Đáng nói là trong phần lớn người cao tuổi, nhất là ở khu vực nông thôn không có lương hưu, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhiều người do con cái kinh tế không mấy dư dả hoặc đơn thân thì gần như phải sống dựa vào tiền trợ cấp bảo trợ xã hội của Nhà nước.

Bà Phạm Thị Bóng, năm nay 71 tuổi ở xã Tiên Động (Tứ Kỳ) sống đơn thân. Trước đây, khi còn sức khỏe, bà chủ yếu làm nông nghiệp để trang trải cuộc sống qua ngày. Giờ tuổi ngày càng cao bà cũng mắc thêm nhiều bệnh khiến sức khỏe giảm sút không thể làm được việc gì kiếm ra tiền. Do không có lương hưu nên chi phí sinh hoạt bà phải nhờ hết vào nguồn trợ cấp bảo trợ xã hội với mức hiện nay là hơn 700.000 đồng/tháng. Bà Bóng cho biết mức trợ cấp cũng chỉ để bà tằn tiện sống qua ngày, còn tiền thuốc hằng tháng, những chi phí khác nữa bà không thể xoay xở ở đâu ra, nhiều khi phải nhờ người thân giúp đỡ.

Từ thực tế nêu trên có thể thấy người lao động nên cân nhắc về việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nên coi đây là một nguồn tiết kiệm để làm chỗ dựa về sức khỏe và tuổi già.

NGỌC THANH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều lao động tự do chưa tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện