Xuân kỳ diệu và Diệu kỳ sao!

13/11/2017 13:05

Thời kỳ bao cấp, cán bộ công chức nhà nước phải sử dụng tem phiếu lương thực, thực phẩm. Gạo ngày đó cũng khan hiếm, nên ngô và mì trở thành lương thực trọng yếu không kém gì gạo.

Thời kỳ bao cấp, cán bộ công chức nhà nước phải sử dụng tem phiếu lương thực, thực phẩm. Gạo ngày đó cũng khan hiếm, nên ngô và mì trở thành lương thực trọng yếu không kém gì gạo. Để cho dễ ăn, ăn ngon miệng, mì được cải tiến làm các loại bánh. Ngoài bánh mì, còn có mì rán, mì luộc, mì hấp cơm và mì sợi. Ngành thương nghiệp còn có sáng kiến chế biến mì bột... làm thành bánh bao, to như quả na, quả cam, trong có nhân đỗ, thịt lợn, hoặc đỗ với trứng ăn rất ngon. Trong các cửa hàng, khách sạn, hoặc các bữa liên hoan ở các cuộc họp, hội nghị, ngoài cơm còn có thêm đĩa bánh bao để đãi khách cho sang.

Năm đó, vào dịp xuân mới tại Hà Nội, một cơ quan ngang bộ tổ chức gặp mặt có mời một số văn nghệ sĩ ở Hà Nội tham dự, trong đó có những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Xuân Diệu, Tế Hanh, Khương Hữu Dụng... Nhân viên bày ra mỗi bàn 6 người, với một đĩa 6 chiếc bánh bao. Lúc ăn một chiếc thứ nhất thấy lạ và ngon, Xuân Diệu ăn thêm một chiếc nữa. Đếm người đủ 6 người 6 chiếc mà Xuân Diệu "ăn" thêm một chiếc là quá tiêu chuẩn... Chiếc bánh thứ hai ấy là khẩu phần của nhà thơ bên cạnh vì mải chuyện nên chưa kịp "nhấc". Thấy vậy Khương Hữu Dụng nhìn Xuân Diệu, ứng khẩu luôn bốn câu thơ:

Mùa xuân kỳ diệu, Diệu kỳ sao?
Chiếc bánh bao... Hề! Chiếc bánh bao
Người ta một chiếc, Diệu hai chiếc
Thơ chửa ra cho. Bánh đã vào...


May mà cô tiếp viên đứng đấy, hiểu ý... chuyện thiếu bánh do bác Diệu... ăn thêm! Nhưng cô cũng thấy tự hào là làm bánh ngon nên bác Diệu mới ăn phần hơn và vinh hạnh là được phục vụ văn nghệ sĩ. Cô liền nói: Bày ra thế thôi, chứ bánh chúng cháu làm dự phòng nên hãy còn các bác ạ! Nói rồi cô vào phòng bếp bưng ra một đĩa bánh bao nữa. Cả bàn vỗ tay ran... Không khí sôi nổi hẳn lên.

Tuy là thơ ứng khẩu nhưng nghệ thuật chơi chữ của nhà thơ lão thành Khương Hữu Dụng rất tài tình ngay từ câu đầu.

Mùa xuân kỳ diệu, Diệu kỳ sao?

"Mùa xuân kỳ diệu" là mùa xuân đẹp, đại từ đi với tính từ. Vế thứ hai: "Diệu kỳ sao?" chữ Diệu thứ hai là danh từ riêng chỉ cá nhân đích tên Xuân Diệu... Nhưng "kỳ sao", tức điều kỳ quặc quá, làm chuyện lạ... ăn quá tiêu chuẩn.

Cuối câu: Thơ chửa ra cho. Bánh đã vào

Thơ chưa ra có nghĩa là đến dự họp chưa làm bài thơ nào mà bánh đã ăn vào bụng.

Qua câu chuyện trên, thấy tính chân thực, tự nhiên của Xuân Diệu và cũng thấy các nhà thơ của chúng ta từ xưa đến nay vui buồn, khổ đau đều có thơ! Thơ xuất khẩu cả khi ăn uống "phạm quy" mà cũng nghệ thuật đáo để.


LÊ HỒNG THIỆN(st)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuân kỳ diệu và Diệu kỳ sao!