Người lao động có hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng.
Người lao động sẽ bị phạt tiền nếu không trung thực trong việc kê khai tình trạng thất nghiệp. Ảnh: TRỰC NGÔN
Đây là đề xuất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH) và đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Dự thảo Nghị định gồm 6 chương, 58 điều (tăng 2 điều), trong đó chương 3 (điều 37-39) quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT). Đáng lưu ý là dự thảo nghị định lần này đã bổ sung một số quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, trong đó có quy định xử phạt liên quan đến hành vi vi phạm đóng BHYT.
Cụ thể: Tại điều 37 (vi phạm về đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), BHYT) quy định rõ: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng đối với NLĐ có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động (NSDLĐ) không tham gia BHXH bắt buộc, BHTN, BHYT; hoặc tham gia không đúng mức quy định. NSDLĐ bị phạt tiền từ 12%-15% tổng số tiền phải đóng BHXH, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng, khi có hành vi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN, BHYT... Tại điều 38 (vi phạm về lập hồ sơ để hưởng chế độ BHXH, BHTN, BHYT) quy định: Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với NLĐ có một trong các hành vi vi phạm pháp luật về BHTN như: kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc hưởng BHXH, BHTN, BHYT mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
BHXH Việt Nam cho biết trong năm 2018, số nợ BHXH, BHYT đã giảm mạnh so với năm 2017, chỉ còn 1,7% số phải thu - đạt mức thấp nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT vẫn còn diễn biến phức tạp.
T. HƯƠNG (Người lao động)